backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Những điều cha mẹ cần biết để bảo vệ con

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 01/08/2023

Đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Những điều cha mẹ cần biết để bảo vệ con

Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Tình trạng nguy hiểm này có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ em nào dưới 1 tuổi.

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết rõ về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Đột tử ở trẻ sơ sinh (Sudden infant death syndrome – SIDS) không phải là một căn bệnh hay một bệnh lý thông thường, mà là một chẩn đoán được đưa ra khi trẻ dưới 1 tuổi tử vong đột ngột mà không thể tìm ra nguyên nhân chính xác ngay lập tức. Hội chứng này không thể dự đoán trước hoặc ngăn ngừa ngay tức thì được và thường xảy ra vào mùa đông. Theo một báo cáo tại Mỹ, khoảng 2.300 trẻ sơ sinh tử vong vì SIDS mỗi năm. Một số em bé có nhiều nguy cơ hơn giai đoạn từ 1 đến 4 tháng tuổi, bệnh phổ biến ở bé trai hơn bé gái và hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra trong những tháng mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân.

Mặc dù hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào, nhưng thông thường, tình trạng này thường xuất hiện vào thời điểm trẻ đang ngủ, trong khoảng thời gian giữa 10 giờ tối và 10 giờ sáng. Do đó, đôi khi SIDS được gọi là “chết trong cũi’ hoặc “chết trong nôi’.

Hầu hết các ca tử vong xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, nhất là trong 6 tháng đầu đời. Một em bé khỏe mạnh cũng có nguy cơ gặp phải tình trạng này, trong đó, bé trai bị đột tử nhiều hơn bé gái.

Nguyên nhân gây ra đột tử ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân đột tử ở trẻ sơ sinh

Mặc dù nguyên nhân khiến trẻ bị đột tử vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết về tình trạng đột tử sơ sinh là do bé có những bất thường về não khiến việc hô hấp, kiểm soát hơi thở khi ngủ cũng như khả năng tỉnh giấc bị rối loạn. Sự kết hợp của các yếu tố thể chất và môi trường giấc ngủ có thể khiến trẻ em dễ bị đột tử sơ sinh, mặc dù điều này khác nhau ở từng trẻ:

1. Các yếu tố về thể chất

Các yếu tố thể chất liên quan đến SIDS bao gồm:

  • Có những bất thường về não bộ: Một số trẻ được sinh ra có các vấn đề sức khỏe bẩm sinh khiến bé có nhiều nguy cơ tử vong vì SIDS Ở những trẻ này, phần não kiểm soát hơi thở và khả năng thức giấc chưa phát triển hoàn thiện để hoạt động bình thường.
  • Cân nặng khi sinh thấp: Sinh non hoặc mang đa thai làm tăng nguy cơ não của trẻ chưa trưởng thành hoàn toàn, khiến bé có ít khả năng kiểm soát các quá trình tự động như nhịp thở và nhịp tim.
  • Mắc bệnh về đường hô hấp: Nhiều trẻ sơ sinh chết vì SIDS được báo cáo là đã bị cảm lạnh trong thời gian gần. Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có thể góp phần gây ra các vấn đề về hô hấp, làm tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

2. Các yếu tố về môi trường ngủ

Các vật dụng trong nôi và tư thế ngủ của trẻ có thể “kết hợp’ với các vấn đề về thể chất của bé và làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Nằm sấp hoặc nằm nghiêng: Trẻ nằm ở những tư thế này khi ngủ có thể khó thở hơn trẻ nằm ngửa.
  • Ngủ trên bề mặt mềm: Nằm úp mặt trên chăn bông, nệm mềm, vật dụng hoặc giường nước có thể làm tắc đường thở của trẻ sơ sinh.
  • Ngủ chung giường: Trong khi nguy cơ SIDS giảm xuống nếu trẻ sơ sinh ngủ cùng phòng với cha mẹ, nguy cơ sẽ tăng lên nếu trẻ ngủ cùng giường với cha mẹ, anh chị em hoặc vật nuôi.
  • Nhiệt độ quá nóng khi ngủ: Mặc quá ấm khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Các yếu tố nguy cơ khác

yếu tố gây đột tử ở trẻ sơ sinh

Mặc dù đột tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra ở bất kỳ em bé nào, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh hơn, từ đó có các biện pháp giúp bảo vệ trẻ khỏi SIDS.  Các yếu tố có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc phải đột tử bao gồm:

  • Giới tính: Các bé trai có nguy cơ tử vong vì SIDS cao hơn một chút.
  • Độ tuổi: Trẻ dễ bị đột tử sơ sinh nhất trong độ tuổi từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 4.
  • Chủng tộc: Vì những lý do chưa được hiểu rõ, trẻ sơ sinh da màu có nhiều khả năng bị SIDS hơn bé da trắng.
  • Tiền sử bệnh trong gia đình: Trẻ có anh chị em hoặc anh chị em họ bị đột tử sơ sinh có nguy cơ bị SIDS cao hơn
  • Sinh non: Những trẻ sinh non, thiếu ký và những trẻ được sinh đôi, sinh ba có nguy cơ cao hơn.
  • Hút thuốc lá thụ động: Trẻ sơ sinh sống với người hút thuốc có nguy cơ mắc SIDS cao hơn.
  • Tư thế ngủ: Trẻ ngủ nằm sấp, đặc biệt là trẻ mặc quá nhiều quần áo hoặc được quấn quá nhiều chăn, dễ bị đột tử ở trẻ sơ sinh.

Trong thời kỳ mang thai, người mẹ cũng có thể làm tăng nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, đặc biệt nếu:

  • Người mẹ dưới 20 tuổi
  • Người mẹ hút thuốc lá
  • Người mẹ sử dụng ma túy
  • Người mẹ uống rượu bia
  • Người mẹ không được chăm sóc tốt trước khi sinh

Những triệu chứng và dấu hiệu đột tử ở trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ bị đột tử sơ sinh không có triệu chứng kèm theo hoặc dấu hiệu cảnh báo nào. Trẻ không bị đau, không khóc hoặc có bất kỳ khó chịu gì trước đột tử. Tuy vậy, trẻ có thể có vấn đề về hô hấp hoặc dạ dày nhưng không nghiêm trọng trong vài tuần trước đó.

Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có bất kỳ vấn đề nào về hô hấp, trẻ phải được theo dõi ở bệnh viện để tránh đột tử. Dù vậy, trẻ vẫn có thể đột tử khi ngủ bất cứ lúc nào, kể cả đang khỏe mạnh. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để bé được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất.

Phòng ngừa nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh

phòng ngừa đột tử ở trẻ sơ sinh

Không có xét nghiệm nào có thể kết luận chính xác trẻ có thể bị đột tử hay không. Việc loại trừ hoặc ngăn ngừa các yếu tố rủi ro có thể giúp phòng ngừa nguy cơ trẻ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ: Có lẽ điều quan trọng nhất là đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Không để trẻ nằm nghiêng hoặc nằm sấp trong năm đầu đời.
  • Cho trẻ ngủ trên những tấm đệm cứng: Giường ngủ của bé không được quá mềm khiến bé lún xuống. Không bao giờ đặt trẻ trên một cái gối, một cái nệm nước, chăn làm từ da cừu, chăn bông dày, ghế mềm, hoặc bề mặt mềm khác.
  • Thiết kế bên trong chiếc nôi cho bé càng trống càng tốt: Không nên để thêm bất kỳ đồ vật nào như gối, đồ chơi bằng lông hoặc thú nhồi bông…  vào trong nôi của bé, vì những vật này có thể cản trở hô hấp nếu mặt của bé áp vào.
  • Cho bé ngủ chung phòng nhưng không chung giường: Đối với trẻ 6 tháng tuổi, trẻ nên ngủ trong nôi, đặt chung trong phòng với bố mẹ thay vì nằm chung giường. Giường người lớn không an toàn cho trẻ sơ sinh. Em bé có thể bị mắc kẹt và ngạt thở giữa các thanh đầu giường, khoảng trống giữa nệm và khung giường, hoặc khoảng trống giữa nệm và tường. Trẻ cũng có thể bị ngạt thở nếu cha mẹ đang ngủ vô tình lăn qua che mũi và miệng em bé.
  • Không để em bé ngủ trong môi trường quá nóng: Không nên để không khí trong phòng quá nóng, hay quấn chặt bé bằng nhiều lớp quần áo, chăn bông… Để giữ ấm cho trẻ, hãy thử một chiếc bao ngủ hoặc quần áo ngủ khác mà không cần thêm lớp mền. Đừng che đầu của bé.
  • Không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, caffeine: Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma túy trong khi mang thai, cũng như không để em bé tiếp tục tiếp xúc với khói thuốc lá trong những năm đầu đời.
  • Chủng ngừa cho trẻ: Không có bằng chứng cho thấy việc chủng ngừa định kỳ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Một số bằng chứng cho thấy chủng ngừa có thể giúp ngăn ngừa SIDS.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ: Cho con bú ít nhất 6 tháng đầu đời có thể làm giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Cho trẻ ngậm núm vú giả: Ngậm núm vú giả không có dây đeo khi ngủ trưa và ngủ tối có thể làm giảm nguy cơ SIDS. Nếu bé không thích núm vú giả, đừng ép trẻ. Hãy thử lại vào ngày khác.

Lưu ý:

Nếu đang cho con bú, hãy đợi cho đến khi trẻ được 3-4 tuần tuổi và mẹ đã ổn định thói quen cho con bú, rồi mới cho bé bú núm vú giả.

>>> Bạn có thể xem thêm: 10 bước làm giảm nguy cơ đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 01/08/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo