backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Đo mật độ xương (BMD)

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/07/2021

Đo mật độ xương (BMD)

Đo mật độ xương hay xét nghiệm BMD là gì? Những ai cần tiến hành, quy trình thực hiện ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu nhé!

Tìm hiểu chung

Đo mật độ xương (BMD) là gì?

Đo mật độ xương (BMD) hay còn được gọi là kiểm tra mật độ khoáng xương, là phương pháp sử dụng tia X để đo lường hàm lượng canxi và các khoáng chất khác có trong một đoạn xương. Xương cột sống, hông và đôi khi xương cẳng tay thường được thử nghiệm nhiều nhất.

Khi nào cần thực hiện đo mật độ xương (BMD)?

Mục đích của đo mật độ xương (BMD) nhằm xác định xem bạn có bị loãng xương hay không. Bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra mật độ xương nếu bạn đã:

  • Giảm chiều cao. Những người bị giảm ít nhất 4cm chiều cao có thể bị gãy xương ở cột sống. Loãng xương là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này.
  • Gãy xương. Gãy xương xảy ra khi một xương trở nên yếu đến mức dễ vỡ hơn bình thương. Đôi khi, gãy xương có thể xảy ra do bạn ho hoặc hắt hơi mạnh.
  • Sử dụng một số loại thuốc. Sử dụng lâu dài các loại thuốc steroid, như prednisone, sẽ cản trở quá trình tái tạo xương, có thể dẫn đến chứng loãng xương.
  • Cấy ghép. Những người được cấy ghép nội tạng hoặc tủy xương có nguy cơ bị loãng xương cao hơn, nguyên nhân một phần là do thuốc chống thải ghép ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương.
  • Giảm mức hormone. Estrogen ở phụ nữ có thể sụt giảm tự nhiên sau thời kỳ mãn kinh, nhưng nó cũng có thể giảm khi sử dụng một số phương pháp điều trị ung thư nhất định. Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt làm giảm nồng độ testosterone ở nam giới. Mức hormone giới tính giảm sẽ làm suy yếu xương.

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi đo mật độ xương (BMD)?

Những điều cần biết trước khi đo mật độ xương

Phụ nữ mang thai không đủ điều kiện để đo mật độ xương vì bức xạ ion hóa có thể làm ảnh hưởng đến mẹ và bé.

Nếu bạn đã phẫu thuật thay hông cả hai bên hoặc được đóng đinh hay ốc vít hông cả hai bên, bác sĩ sẽ khó chụp hình phần hông. Tương tự, các thanh kim loại hoặc các thiết bị cấy ở cột sống thắt lưng sẽ ngăn chặn việc chụp hình tại khu vực này. Trong trường hợp không thể chụp hình phần hông hoặc xương cột sống, bác sĩ sẽ đề nghị quét cẳng tay.

Quy trình

Bạn cần chuẩn bị gì trước khi đo mật độ xương?

Xét nghiệm mật độ xương rất dễ dàng, nhanh chóng và không gây đau. Hầu như bạn không cần chuẩn bị gì. Thực tế, một số phiên bản đơn giản của các xét nghiệm mật độ xương có thể được thực hiện tại nhà thuốc tây.

Nếu làm xét nghiệm tại một trung tâm y tế hoặc bệnh viện, hãy báo cho bác sĩ biết trước nếu bạn vừa mới có xét nghiệm với bari hoặc vật liệu tương phản được tiêm vào để chụp CT hoặc kiểm tra bằng xạ hình. Vật liệu tương phản có thể ảnh hưởng đến kiểm tra mật độ xương.

Tránh dùng thuốc bổ sung canxi ít nhất 24 giờ trước khi thử nghiệm mật độ xương.

Bạn nên mặc quần áo rộng, thoải mái và tránh mặc quần áo có dây khóa kéo, thắt lưng hoặc nút. Bạn cũng cần bỏ tất cả các vật bằng kim loại khỏi túi như chìa khóa.

Quá trình đo mật độ xương (BMD) diễn ra như thế nào?

Quá trình đo mật độ xương

Xét nghiệm thường mất khoảng 10–30 phút.

Xét nghiệm mật độ xương thường được thực hiện ở xương có nhiều khả năng bị vỡ do loãng xương, bao gồm:

  • Xương đốt sống dưới (xương cột sống thắt lưng)
  • Cổ xương đùi, bên cạnh xương khớp hông
  • Cẳng tay

Kiểm tra mật độ xương tại bệnh viện có thể được thực hiện bằng một thiết bị trung tâm, nơi bạn nằm trên một bệ phẳng với máy cơ di chuyển qua cơ thể. Đối với xét nghiệm này, lượng phóng xạ bạn tiếp xúc là rất thấp, ít hơn nhiều so với lượng phát ra khi chụp X-quang ngực.

Một thiết bị di động nhỏ có thể đo mật độ xương ở các đầu xa của xương như ngón tay, cổ tay hoặc gót chân. Các dụng cụ được sử dụng cho các xét nghiệm này được gọi là thiết bị ngoại vi và thường có ở các hiệu thuốc tây. Các xét nghiệm mật độ xương ngoại vi ít tốn kém hơn so với các xét nghiệm được thực hiện trên thiết bị trung tâm.

Do mật độ xương có thể thay đổi từ vị trí này đến vị trí khác trong cơ thể, dự đoán nguy cơ gãy xương bằng cách đo ở gót chân thường không chính xác bằng đo ở cột sống hoặc hông. Do đó, nếu kết quả xét nghiệm trên thiết bị ngoại vi là dương tính, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra cột sống hoặc hông để xác nhận chẩn đoán.

Điều gì xảy ra sau khi đo mật độ xương?

Không có chăm sóc đặc biệt nào sau khi tiến hành xét nghiệm này. Bạn có thể tiếp tục các hoạt động hàng ngày trừ khi được hướng dẫn khác từ bác sĩ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về đo mật độ xương (BMD), vui lòng tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để hiểu rõ hơn về các hướng dẫn.

Kết quả

Kết quả đo mật độ xương có ý nghĩa gì với bạn?

kết quả đo mật độ xương

Bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm của bạn. Kết quả gọi là điểm số T, so sánh giá trị của bạn với mật độ xương của người khỏe mạnh ở độ tuổi 30. Điểm 0 được coi là lý tưởng.

Các chuyên gia đưa ra các hướng dẫn sau đây về điểm số đo mật độ xương:

  • Bình thường: Từ 1 đến –1
  • Khối lượng xương thấp: –1 đến –2,5
  • Loãng xương: –2,5 hoặc thấp hơn
  • Chứng loãng xương nặng: –2,5 hoặc thấp hơn với các xương bị gãy.

Bác sĩ sẽ thảo luận kết quả với bạn. Tùy thuộc vào kết quả và lý do thử nghiệm, bác sĩ có thể cần làm thêm xét nghiệm. Họ sẽ lên kế hoạch điều trị cùng bạn để giải quyết bất kỳ vấn đề nào mà bạn đang gặp phải.

Tùy thuộc vào phòng thí nghiệm và bệnh viện, mức độ bình thường cho đo mật độ xương (BMD) có thể thay đổi. Vui lòng thảo luận với bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào bạn thắc mắc về kết quả xét nghiệm của mình.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/07/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo