backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Dị ứng ánh sáng mặt trời có nguy hiểm không?

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/04/2021

Dị ứng ánh sáng mặt trời có nguy hiểm không?

Bạn cảm tháy ngứa ngáy, nổi mẫn đỏ và khó chịu khi ra ngoài trời nắng? Có khả năng cao bạn đã bị dị ứng ánh sáng mặt trời. Nếu không tiến hành điều trị sớm sẽ xuất hiện những dấu hiệu nặng hơn như là phồng rộp da, phát ban, da đóng vảy hoặc chảy máu.

Dị ứng ánh sáng mặt trời là một trong những loại dị ứng tuy hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra. Dị ứng ánh nắng mặt trời này có nguy hiểm không? Câu trả lời là có nếu không tiến hành điều trị và ngăn ngừa tình trạng này. Hãy theo dõi bài viết sau để hiểu thêm về bệnh dị ứng hiếm gặp này nhé!

Tìm hiểu chung

Dị ứng ánh sáng mặt trời là gì?

Dị ứng ánh sáng mặt trời là một thuật ngữ thường được sử dụng để mô tả một số tình trạng liên quan đến phát ban đỏ ngứa xuất hiện trên da do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các hình thức phổ biến nhất của dị ứng ánh nắng mặt trời là phát ban đa dạng do ánh sáng hay còn gọi là ngộ độc ánh sáng mặt trời.

Một số người bị dị ứng ánh sáng mặt trời do di truyền. Những người khác phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi các yếu tố khác như một loại thuốc hoặc tiếp xúc với thực vật như củ cải dại hoặc chanh.

Những trường hợp nhẹ của dị ứng ánh nắng mặt trời có thể tự hết mà không cần điều trị, trường hợp nặng có thể được điều trị bằng các loại kem steroid hoặc thuốc. Những người bị dị ứng ánh sáng mặt trời nghiêm trọng cần các biện pháp phòng ngừa và mặc quần áo chống nắng.

Mức độ phổ biến của dị ứng ánh sáng mặt trời

Dị ứng ánh sáng mặt trời là một dị ứng hiếm gặp. Người đầu tiên được phát hiện có các dấu hiệu tại thời điểm bùng phát có độ tuổi trung bình là 35 tuổi. Tuy vậy, nó có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh. Dị ứng ánh sáng mặt trời có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi chủng tộc, mặc dù tình trạng này có thể phổ biến hơn ở người da trắng. Bạn hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dị ứng ánh nắng mặt trời

Các biểu hiện trên vùng da bị ảnh hưởng bởi dị ứng ánh nắng mặt trời có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào các rối loạn gây ra. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đỏ
  • Ngứa hoặc đau
  • Va chạm nhẹ có thể tạo thành các mảng sẩn trên da
  • Tạo vảy, đóng vảy cứng hoặc chảy máu
  • Vết phồng rộp hoặc phát ban

Các dấu hiệu và triệu chứng thường chỉ xảy ra trên da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Đến bác sĩ nếu bạn có phản ứng trên da khó chịu, bất thường sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Đối với triệu chứng nặng hoặc dai dẳng, bạn có thể cần gặp bác sĩ chuyên về chẩn đoán và điều trị các rối loạn da (bác sĩ da liễu).

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra dị ứng ánh nắng mặt trời?

Một số loại thuốc, hóa chất và các tình trạng bệnh lý có thể làm cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Chưa rõ lý do tại sao một số người bị dị ứng ánh nắng mặt trời và những người khác thì không. Các đặc điểm di truyền có thể là một nguyên nhân.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc dị ứng ánh nắng mặt trời?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc dị ứng ánh nắng mặt trời như:

  • Chủng tộc. Ai cũng có thể bị dị ứng ánh nắng mặt trời, nhưng một số loại dị ứng ánh nắng mặt trời nhất định phổ biến nhất ở những người có nguồn gốc chủng tộc nhất định. Ví dụ loại phổ biến nhất của dị ứng ánh nắng mặt trời (phát ban đa dạng do ánh sáng) xảy ra chủ yếu ở người da trắng. Một loại dị ứng ánh nắng mặt trời ít gặp hơn, nhưng nghiêm trọng hơn, phổ biến ở người Mỹ bản địa.
  • Tiếp xúc với một số chất nhất định. Một số triệu chứng dị ứng da xuất hiện khi da tiếp xúc với một số chất nào đó và sau đó tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các chất thường gặp là nguyên nhân gây ra dị ứng bao gồm nước hoa, chất khử trùng và thậm chí một số hóa chất được sử dụng trong kem chống nắng.
  • Dùng một số loại thuốc nhất định. Một số loại thuốc có thể làm cho da cháy nắng nhanh hơn bao gồm tetracyclin, các thuốc chứa sulfa và thuốc giảm đau như ketoprofen.
  • Mắc một bệnh về da. Viêm da làm bạn tăng nguy cơ bị dị ứng ánh nắng mặt trời.
  • Có người thân bị dị ứng với ánh mặt trời. Bạn có nhiều khả năng bị dị ứng ánh nắng mặt trời nếu có anh chị em ruột hoặc cha mẹ bị dị ứng mặt trời.

Chuẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán dị ứng ánh sáng mặt trời?

Bác sĩ có thể chẩn đoán dị ứng ánh nắng mặt trời từ việc thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ xem xét phát ban và hỏi bạn về bệnh sử xuất hiện và biến mất của phát ban. Dị ứng ánh nắng mặt trời thường xảy ra trong vòng vài phút tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nó sẽ biến mất nhanh chóng nếu bạn ra khỏi nơi có ánh nắng mặt trời. Phát ban này không để lại sẹo.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn về bệnh sử và phản ứng của bạn với ánh sáng mặt trời. Bác sĩ cũng có thể cần làm một hoặc nhiều xét nghiệm để xác định chẩn đoán:

  • Xét nghiệm ánh sáng nhằm quan sát phản ứng của da bạn với tia UV từ một đèn mặt trời có các bước sóng khác nhau. Bước sóng mà da bạn phản ứng có thể giúp xác định loại dị ứng ánh nắng mặt trời cụ thể của bạn.
  • Thử nghiệm miếng dán đặt các chất gây dị ứng khác nhau lên da và chờ đợi một ngày, sau đó cho da tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ một chiếc đèn mặt trời. Nếu da phản ứng với một chất cụ thể, chất đó có thể là nguyên nhân gây ra dị ứng ánh nắng mặt trời.
  • Xét nghiệm máu hoặc sinh thiết da có thể được sử dụng nếu bác sĩ cho rằng phát ban gây ra do một chứng bệnh khác như lupus hoặc bệnh chuyển hóa.

Những phương pháp nào dùng để điều trị dị ứng ánh sáng mặt trời?

Đôi khi, dị ứng ánh nắng mặt trời sẽ tự biến mất.

Điều trị dị ứng ánh nắng mặt trời phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tránh ánh nắng mặt trời có thể giải quyết các triệu chứng nếu phản ứng của bạn nhẹ.

Trong những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamin để làm dịu các phát ban hoặc kem không cần toa như lô hội hoặc dung dịch calamine.

Nếu phản ứng của bạn trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên dùng các thuốc như:

  • Montelukast (singulair), thường được dùng để điều trị hen suyễn
  • Corticosteroid
  • Hydroxychloroquine (Plaquenil), một loại thuốc chống sốt rét

Bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn dùng đèn chiếu. Phương pháp này giúp cho da bạn chịu được ánh nắng mùa hè bằng cách thường xuyên cho da tiếp xúc tia cực tím từ một tia nắng mùa xuân. Điều này có thể làm bạn bớt nhạy cảm, nhưng tác dụng có thể không kéo dài.

Hiệp hội các bác sĩ da liễu của Anh gợi ý một số phương pháp điều trị khác như:

  • Cyclosporine (SANDIMUNE), một chất ức chế miễn dịch
  • Omalizumab (xolair)
  • Trao đổi plasma
  • Photopheresis
  • Tiêm tĩnh mạch immunoglobulin

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý dị ứng ánh nắng mặt trời?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với dị ứng ánh nắng mặt trời:

  • Tránh tiếp xúc với ánh mặt trời. Hầu hết các triệu chứng dị ứng ánh nắng mặt trời được cải thiện một cách nhanh chóng trong vòng vài giờ đến 1 hoặc 2 ngày khi những khu vực bị ảnh hưởng không còn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
  • Ngừng sử dụng các chất làm cho bạn nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Nếu bạn đang dùng thuốc cho các tình trạng khác, hãy nói chuyện với bác sĩ liệu chúng có thể làm cho da của bạn nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời hay không.
  • Bôi kem dưỡng ẩm da. Các sản phẩm làm ẩm da có thể giúp giảm kích thích do khô da, da bị bong tróc.
  • Sử dụng biện pháp làm dịu da. Dung dịch calamine và lô hội có thể giúp bạn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Bacsi  không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tác giả:

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 29/04/2021

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo