backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Đề kháng insulin

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/04/2023

Đề kháng insulin

Đề kháng insulin là một tình trạng đáng báo động vì có thể gây ảnh hưởng đến lượng glucose trong máu. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến tiểu đường type 2 và các bệnh lý rối loạn chuyển hoá khác. 

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị, thuốc, chế độ ăn uống, theo dõi và cách phòng ngừa đề kháng insulin nhé.

Đề kháng insulin là gì?

Insulin là một loại hormone quan trọng với cơ thể, giúp đưa glucose (phân huỷ từ thức ăn) tù trong máu vào các tế bào cơ, mỡ, gan,… để chuyến hoá thành năng lượng, giúp bạn vận động và làm việc mỗi ngày.

Vậy đề kháng insulin là gì? Đề kháng insulin là tình trạng cơ thể phản ứng dưới mức bình thường với nồng độ insulin (cả insulin nội sinh và ngoại sinh).

Thông thường, trong lâm sàng, đề kháng insulin liên quan đến trạng thái mà trong đó, nồng độ bình thường của insulin không đủ để chuyển hóa lượng đường tương ứng. Sau đó, cơ thể bắt đầu kháng với mức độ insulin bình thường hoặc thậm chí cao, dẫn đến tăng đường huyết và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không chữa trị.

Những dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đề kháng insulin là gì?

triệu chứng đề kháng insulin

Trong giai đoạn đầu của tiểu đường type 2, khi cơ thể bắt đầu đề kháng insulin, những xét nghiệm thông thường không phát hiện ra hoặc người bệnh không có dấu hiệu bệnh (glucose không tăng, không đái tháo đường), nhưng xuất hiện rối loạn lipid máu như giảm nhẹ HDL (cholesterol tốt) và nồng độ triglycerides cao. Trong giai đoạn này, bệnh nhân thường bị tăng huyết áp.

Bệnh đôi khi không gây triệu chứng lúc đầu. Khi triệu chứng xuất hiện thì cơ thể đã giảm sản xuất insulin, dấu hiệu thường bao gồm:

  • Tiểu nhiều lần
  • Tăng cảm giác khát
  • Tầm nhìn mờ
  • Sạm da ở nách, lưng và hai bên cổ

Đối với những người bị béo phì, họ sẽ có một vài triệu chứng riêng lẻ (tăng chỉ số khối cơ thể BMI) và/hoặc béo phì ở bụng (tăng vòng eo), tăng huyết áp, tăng đường huyết lúc đói và mức triglycerides và HDL thấp, những dấu hiệu này đều liên quan đến hội chứng chuyển hóa.

Biến chứng mạch máu lớn xảy ra vào đầu giai đoạn tiền tiểu đường và tồn tại rất lâu trước khi biến chứng mạch máu nhỏ như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, cùng với các yếu tố viêm gây ra xơ vữa động mạch.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng đề kháng insulin?

Nguyên nhân gây ra đề kháng insulin là gì cho đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, tình trạng đề kháng insulin được chỉ ra rằng có liên quan chặt chẽ với sự phát triển của tiểu đường type 2 và/hoặc hội chứng chuyển hóa.

Những người có gen liên quan đến bệnh tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, căng thẳng (stress) hoặc đã bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài (béo phì, lối sống ít vận động), sẽ mắc rối loạn đường huyết hoặc đề kháng insulin.

Những ai thường gặp phải tình trạng đề kháng insulin?

nguy cơ đề kháng insulin

Tình trạng đề kháng insulin thường gặp hơn ở:

  • Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường
  • Những người thừa cân (đặc biệt là xung quanh vùng bụng)
  • Người ít hoạt động thể chất
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những kỹ thuật chẩn đoán tình trạng đề kháng insulin là gì?

Bác sĩ thường chỉ định một số xét nghiệm để phát hiện tình trạng đề kháng insulin và tiền tiểu đường, bao gồm:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói
  • Xét nghiệm HbA1c
  • Nghiệm pháp dung nạp glucose qua đường uống
  • Xét nghiệm đo lượng lipid trong máu

Điều trị và phòng ngừa đề kháng insulin

Cả trẻ em và người lớn đều có khả năng gặp phải tình trạng kháng insulin và hội chứng chuyển hóa. Cách tốt nhất để phòng ngừa hội chứng chuyển hóa là ngăn ngừa tình trạng béo phì.

Điều trị tình trạng kháng insulin (cải thiện độ nhạy cảm với insulin) chủ yếu liên quan đến việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị người bị đề kháng insulin cần giảm cân, thường xuyên hoạt động thể chất ở cường độ vừa phải và ăn uống lành mạnh. Theo đó, bạn cần:

  • Giảm huyết áp
  • Tăng độ nhạy insulin
  • Giảm lượng chất béo trung tính và cholesterol LDL
  • Tăng mức cholesterol HDL
  • Giảm mức đường huyết hiện tại của bạn

Bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa và các chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch điều trị cụ thể cũng như theo dõi hiệu quả của việc điều trị.

Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng một số thuốc như:

  • Thuốc huyết áp
  • Metformin cho bệnh nhân tiểu đường
  • Statin để giảm cholesterol LDL
  • Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế đề kháng insulin là gì?

    phòng ngừa đề kháng insulin

    Thuốc không phải là công cụ duy nhất để giải quyết tình trạng đề kháng insulin. Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

    • Kiểm soát cân nặng: đây là điều quan trọng nhất. Nếu bạn đã mắc các rối loạn chuyển hóa, giảm cân có thể giúp cải thiện sức khỏe và hạ lượng đường trong máu.
    • Vận động thường xuyên với các bài tập thể dục cũng giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát rối loạn chuyển hóa.
    • Chế độ dinh dưỡng cân bằng và không hút thuốc lá giúp duy trì sức khỏe và ngăn ngừa bệnh.

    Hy vọng những thông tin trên đây từ Hello Bacsi có thể giúp bạn hiểu rõ tình trạng đề kháng insulin là gì và mức độ nguy hiểm của hiện tượng này. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 24/04/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo