backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Nhiễm trùng tim

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 26/09/2023

Nhiễm trùng tim

Nhiễm trùng tim có thể xảy ra do nhiều tác nhân như vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng tấn công đến một phần trái tim. Tình trạng này có thể gây ra viêm, tổn thương đến lớp nội mạc tim, van tim, màng ngoài tim hay cơ tim.

Tim của chúng ta nằm trong lồng ngực và được bao phủ bởi một lớp mô bảo vệ để tránh bị tổn thương và viêm nhiễm từ các tác nhân bên ngoài. Dù thế, vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng theo đường máu vẫn có khả năng xâm nhập vào tim, gây viêm nhiễm cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Thông thường, tình trạng nhiễm trùng tim xảy ra trong thời gian ngắn và không quá nghiêm trọng, có thể chữa trị khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm trùng dẫn đến viêm gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn như đột quỵ, ảnh hưởng đến tính mạng.

Tìm hiểu chung

Nhiễm trùng tim là gì và liên quan đến những tình trạng bệnh lý nào?

Nhiễm trùng tim xảy ra khi các chất kích thích như vi khuẩn, vi rút và nấm xâm nhập vào tim. Nhiễm trùng nghiêm trọng ở tim có thể dẫn đến tổn thương và gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại, đe dọa đến tính mạng. Tim có 3 lớp chính và nhiễm trùng có khả năng xảy ra ở bất kỳ lớp nào, dẫn đến các tình trạng bệnh lý sau:

  • Viêm nội tâm mạc: Nhiễm trùng hay viêm ở lớp nội mạc lót bên trong các buồng tim và van tim. Đây là loại nhiễm trùng tim thường gặp nhất. Đối tượng có nguy cơ cao là những người đã mắc bệnh van tim hay có các vấn đề về tim khác. Để điều trị, người bệnh cần phải nhập viện.
  • Viêm cơ tim: Nhiễm trùng và viêm ở lớp cơ tim. Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này là nhiễm virus. Đây là loại nhiễm trùng tim hiếm khi gặp phải.
  • Viêm ngoại tâm mạc: Nhiễm trùng hay viêm ở lớp màng ngoài cùng bao bọc toàn bộ trái tim. Nguyên nhân thường là do nhiễm virus. Tình trạng này thường xảy ra ở nam giới từ 20–50 tuổi, có thể hồi phục tốt sau khi điều trị các triệu chứng và nghỉ ngơi hợp lý.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng nhiễm trùng tim

triệu chứng nhiễm trùng tim

Các triệu chứng nhiễm trùng tim khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào bệnh. Nhiều tình trạng nhiễm trùng tim bao gồm các triệu chứng phổ biến sau:

  • Đau tức ngực
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Tích tụ chất lỏng (phù nề) ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng
  • Đau khớp hoặc nhức mỏi cơ thể
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Nhịp tim nhanh (loạn nhịp tim) hoặc tim đập nhanh
  • Khó thở.
  • Các triệu chứng nhiễm trùng với viêm nội tâm mạc có thể rõ ràng và phát triển nhanh chóng. Tình trạng viêm nội tâm mạc cấp tính thường diễn tiến nhanh chóng, nghiêm trọng và gây đe dọa tính mạng. Ngược lại, cũng có những trường hợp viêm xảy ra từ từ, tăng dần theo thời gian, có khi kéo dài trong nhiều tháng. Đó gọi là viêm nội tâm mạc bán cấp hay mạn tính.

    Các triệu chứng này có thể xuất hiện kèm theo một tình trạng gây đe dọa tính mạng như cơn đau tim. Nếu nhận thấy các dấu hiệu đau tim, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.

    Các triệu chứng ít gặp hơn của viêm nội tâm mạc bao gồm:

    • Có máu trong nước tiểu (tiểu ra máu)
    • Các đốm đỏ hoặc tím trên da, bên trong miệng hoặc trên lòng trắng của mắt (chấm xuất huyết)
    • Các nốt đỏ ở đáy bàn chân và lòng bàn tay (tổn thương Janeway)
    • Các nốt đỏ dưới da trên ngón chân hoặc ngón tay (hạch Osler)
    • Tỳ vị hư nhược
    • Giảm cân không rõ nguyên nhân.

    Khi nào bạn nên gặp bác sĩ ngay lập tức?

    Một số trường hợp, nhiễm trùng tim có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong. Do đó, hãy ngay lập tức gọi đến số điện thoại cấp cứu 115 hay đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất khi có các biểu hiện sau:

    • Đau tức ngực
    • Lú lẫn, mất phương hướng, mất nhận thức
    • Xệ một bên mặt
    • Đau đầu dữ dội
    • Nói ngọng, câu nói lộn xộn hoặc khó nói chuyện
    • Thị lực thay đổi đột ngột
    • Một bên cơ thể hoặc mặt đột nhiên mất sức, cảm thấy yếu, tê hay liệt.

    Ngay cả khi chưa có những triệu chứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa tính mạng, bạn cũng nên đến gặp bác sĩ sớm khi có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào nghi ngờ liên quan nhiễm trùng tim.

    Nguyên nhân

    Nguyên nhân gây nhiễm trùng tim là gì?

    tác nhân gây nhiễm trùng tim

    Các nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng:

    • Virus: là tác nhân phổ biến nhất của viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim (viêm ngoại tâm mạc), bao gồm adenovirus, coxsackievirus, herpes, virus cúm, parvovirus B19. Gần đây, virus SAR-CoV-2 gây nên đại dịch COVID-19 cũng có thể gây ảnh hưởng đến tim. Khi chúng lây nhiễm vào mô tim sẽ gây ra các phản ứng miễn dịch cấp hoặc mạn tính, dẫn đến viêm.
    • Vi khuẩn: là nguyên nhân thường gặp nhất ở viêm nội tâm mạc. Vi khuẩn và các tế bào máu sẽ tạo thành khối ở trên lớp nội mạc (lớp lót trong cùng của tim), điển hình là trên các van tim. Điều này có thể xảy ra sau khi bạn bị nhiễm trùng ở da, miệng, phổi, đường ruột hay đường tiết niệu. Xăm mình hay xỏ khuyên trên cơ thể cũng có khả năng “mở đường” cho vi khuẩn xâm nhập vào máu đi đến tim. Loại vi khuẩn gây viêm nội tâm mạc phổ biến nhất là Staphylococcus aureus.
    • Nấm và ký sinh trùng: là những tác nhân hiếm gặp trong các tình trạng nhiễm trùng tim. Nhiễm nấm gây viêm nội tâm mạc có thể là do Candida hoặc Aspergillus.

    Các yếu tố nguy cơ cần chú ý

    Nguy cơ bị nhiễm trùng tim nói chung hay viêm nội tâm mạc sẽ cao hơn trên những đối tượng sau đây:

    • Trên 65 tuổi
    • Đặt van tim nhân tạo hoặc thiết bị khác trong tim (như máy tạo nhịp tim)
    • Có dị tật tim bẩm sinh
    • Van tim có vấn đề
    • Mắc bệnh thận đang phải lọc máu
    • Người bệnh HIV
    • Tiêm chích các chất kích thích, ma túy
    • Từng có tiền sử bị viêm nội tâm mạc hay nhiễm trùng ở tim.

    Chẩn đoán và điều trị

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    bác sĩ tim mạch

    Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán nhiễm trùng tim?

    Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán bệnh dựa trên bệnh án, kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng và thực hiện thêm các xét nghiệm khác. Các xét nghiệm y khoa sẽ giúp bác sĩ xác định tình trạng tim bạn đang gặp phải, bao gồm:

    Các phương pháp điều trị

    Tùy vào tình trạng bệnh lý mắc phải mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Trường hợp viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

    Việc lựa chọn thuốc điều trị sẽ dựa trên tác nhân gây ra nhiễm trùng:

    • Thuốc kháng sinh: sử dụng khi tình trạng viêm do vi khuẩn gây ra.
    • Thuốc chống nấm: điều trị tình trạng viêm do nhiễm nấm.
    • Thuốc chống đông máu dùng điều trị một số trường hợp viêm nội tâm mạc.
    • Thuốc kháng viêm NSAIDs, corticosteroid: có tác dụng giảm bớt phản ứng viêm, giảm hoạt động của hệ miễn dịch.

    Một số trường hợp, người bệnh cần trải qua phẫu thuật hay các thủ thuật y khoa để điều trị tình trạng viêm ở tim:

    • Phẫu thuật tim để sửa chữa các tổn thương ở van hay mô tim bị ảnh hưởng do viêm nội tâm mạc. Bác sĩ sẽ phải loại bỏ các mô nhiễm trùng, tái tạo hoặc thay thế van tim.
    • Chọc màng ngoài tim để dẫn lưu dịch dư thừa khi bị tràn dịch màng ngoài tim.

    Phòng ngừa

    Những biện pháp giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ nhiễm trùng tim

    Các tình trạng viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim đều không có phương thức tầm soát qua các xét nghiệm sức khỏe định kỳ. Tuy vậy, bạn có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn ở tim, nhất là ở những người có nguy cơ cao bằng cách:

    • Không tiêm chích thuốc bất hợp pháp.
    • Vệ sinh cá nhân cẩn thận, tránh để nhiễm trùng ở da.
    • Thực hiện vệ sinh răng miệng tốt, bao gồm đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, đến gặp nha sĩ định kỳ.
    • Uống thuốc kháng sinh đủ liều trước và sau khi thực hiện một số thủ thuật y tế theo chỉ định của bác sĩ.

    Trường hợp nhiễm trùng tim do virus hay tác nhân khác gây viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim thường rất khó phòng tránh. Bạn nên cố gắng kiểm soát các yếu tố nguy cơ mắc các bệnh lý làm suy giảm hệ miễn dịch như HIV/ AIDS.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 26/09/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo