backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bướu tuyến giáp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/10/2020

Bướu tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình cánh bướm ở cổ, chịu trách nhiệm sản xuất hormone điều hòa quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Bướu cổ hoặc bướu tuyến giáp có thể xảy ra nếu bộ phận này phát triển kích thước bất thường.

Phần lớn trường hợp bệnh thường vô hại. Tuy nhiên, bạn vẫn nên sớm tìm kiếm phương pháp điều trị để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm phát sinh.

Tìm hiểu chung

Bệnh bướu tuyến giáp là gì?

bướu cổ

Bướu giáp (bướu cổ hoặc bướu tuyến giáp) là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến nhất, liên quan đến tình trạng phì đại bất thường của tuyến giáp. Mặc dù chúng thường không gây đau, nhưng những bướu lớn có thể gây ra ho và gây khó khăn cho việc nuốt hoặc thở. 

Triệu chứng

Các triệu chứng bướu giáp là gì?

triệu chứng bướu tuyến giáp

Không phải tất cả những người bị bướu cổ điều có các triệu chứng bệnh. Những triệu chứng bướu giáp phổ biến có thể kể đến như sau:

  • Sưng ở dưới cổ, có thể thấy rõ khi bạn trang điểm hoặc cạo râu
  • Cảm giác siết chặt trong cổ họng
  • Ho
  • Khàn tiếng
  • Khó nuốt
  • Khó thở

Nguyên nhân và nguy cơ mắc bệnh

Nguyên nhân bị bướu tuyến giáp là gì?

Nguyên nhân gây ra bướu tuyến giáp gồm:

  • Thiết hụt iốt. Iốt là chất rất cần thiết cho quá trình sản xuất hormone tuyến giáp. Tình trạng thiếu hụt iốt ban đầu thậm chí còn tồi tệ hơn bởi chế độ ăn nhiều thực phẩm ức chế hormone, chẳng hạn như bắp cải, bông cải xanh và súp lơ.
  • Bệnh Graves. Bướu cổ đôi khi có thể xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp (cường giáp). Trong bệnh Graves, các kháng thể được sản xuất bởi hệ miễn dịch tấn công nhầm tuyến giáp, làm cho nó tạo ra lượng thyroxine dư. Sự kích thích quá mức này làm cho tuyến giáp sưng lên.
  • Bệnh Hashimoto. Bướu cổ cũng có thể do tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp). Giống như bệnh Graves, bệnh Hashimoto là một rối loạn tự miễn, nhưng thay vì làm cho tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone, Hashimoto sẽ gây tổn thương tuyến giáp để nó tạo ra quá ít hormone.
  • Mức hormone thấp làm cho tuyến yên tạo ra nhiều hormone hơn để kích thích tuyến giáp, điều này sẽ gây phì đại tuyến giáp.
  • Bướu tuyến giáp nhiều nhân. Trong tình trạng này, một số khối u rắn hoặc đầy chất lỏng được gọi là các nốt sần phát triển ở cả hai bên tuyến giáp của bạn, dẫn đến sự mở rộng tổng thể của tuyến.
  • Các nốt tuyến giáp đơn lẻ. Trong tình trạng này, một nốt đơn phát triển trong một phần của tuyến giáp. Hầu hết các nốt không phải ung thư (lành tính) và không dẫn đến ung thư.
  • Ung thư tuyến giáp. Ung thư tuyến giáp ít phổ biến hơn các nốt tuyến giáp lành tính. Sinh thiết nốt tuyến giáp là rất chính xác trong việc xác định nếu đó là ung thư.
  • Mang thai. Một loại hormone được tạo ra trong quá trình mang thai là HCG có thể làm cho tuyến giáp của bạn hơi phì đại.
  • Viêm. Viêm giáp là một tình trạng viêm có thể gây đau và sưng trong tuyến giáp. Nó cũng có thể gây ra sản xuất thiếu hoặc quá mức thyroxine.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh bướu cổ?

Phụ nữ mang thai dễ bị bướu tuyến giáp

Bướu tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai. Bạn có thể mắc tình trạng này từ khi mới sinh ra hoặc bất cứ lúc nào trong đời.

Một số yếu tố nguy cơ phổ biến mắc bướu tuyến giáp như:

  • Thiếu iốt trong chế độ ăn uống.
  • Nữ giới. Do phụ nữ dễ bị rối loạn tuyến giáp hơn nên họ cũng có nhiều khả năng phát triển bệnh bướu cổ hơn.
  • Tuổi tác. Bướu tuyến giáp phổ biến hơn ở người trên 40 tuổi.
  • Tiền sử bệnh. Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có bệnh tự miễn làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
  • Mang thai và mãn kinh. Vì những lý do không hoàn toàn rõ ràng, các vấn đề về tuyến giáp có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ trong thời gian mang thai và mãn kinh.
  • Một số loại thuốc. Một số phương pháp điều trị y tế, bao gồm thuốc tim amiodarone (Cordarone, Pacerone, những thuốc khác) và thuốc trị tâm thần (Lithobid, những thuốc khác) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
  • Tiếp xúc với bức xạ. Nguy cơ mắc bệnh của bạn tăng lên nếu đã có điều trị bức xạ ở cổ hoặc vùng ngực hoặc bạn đã tiếp xúc với bức xạ tại một cơ sở hạt nhân, thử nghiệm hoặc tai nạn.

Biến chứng

Bệnh bướu tuyến giáp có nguy hiểm không?

Các bướu tuyến giáp nhỏ thường không gây ra các vấn đề về thể chất hay thẩm mỹ, do đó nó không nghiêm trọng. Tuy nhiên, những bướu tuyến giáp lớn có thể gây khó thở hoặc nuốt, ho và khàn tiếng.

bướu tuyến giáp gây khó nuốt

Bướu giáp do các tình trạng sức khỏe khác gây ra, ví dụ như suy giáp hoặc cường giáp, có thể kèm theo rất nhiều triệu chứng, từ mệt mỏi kèm tăng cân đến giảm cân ngoài ý muốn, khó chịu và khó ngủ.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những phương pháp dùng để chẩn đoán bướu giáp là gì?

Bác sĩ có thể phát hiện ra một bướu cổ chỉ đơn giản bằng cách nhìn cổ bạn và nói bạn nuốt trong lúc kiểm tra thể chất. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cảm thấy các nốt sần.

Chẩn đoán bướu cổ cũng có thể liên quan đến các phương pháp:

  • Xét nghiệm nội tiết tố. Xét nghiệm máu có thể xác định lượng hormone được sản xuất bởi tuyến giáp và tuyến yên. Nếu tuyến giáp không hoạt động, mức độ hormone tuyến giáp sẽ thấp. Đồng thời, mức hormone kích thích tuyến giáp sẽ tăng lên vì tuyến yên cố gắng kích thích tuyến giáp để tạo ra nhiều hormone tuyến giáp hơn. Một bướu cổ kèm với tuyến giáp hoạt động quá mức thường liên quan đến mức độ hormone tuyến giáp cao trong máu và thấp hơn mức hormone kích thích tuyến giáp bình thường.
  • Xét nghiệm kháng thể. Một số nguyên nhân gây bướu cổ liên quan đến việc sản xuất các kháng thể bất thường. Xét nghiệm máu có thể xác nhận sự hiện diện của các kháng thể này.
  • Siêu âm. Bác sĩ dùng máy siêu âm đầu dò áp lên cổ bạn. Sóng âm phát ra từ cổ và lưng của bạn, tạo thành hình ảnh trên màn hình máy tính. Những hình ảnh tiết lộ kích thước tuyến giáp của bạn.
  • Chụp hình tuyến giáp. Chụp hình tuyến giáp cung cấp thông tin về bản chất và kích thước tuyến giáp, nhưng đây là phương pháp xâm lấn hơn, mất nhiều thời gian và tốn kém hơn xét nghiệm siêu âm.
  • Sinh thiết. Trong lúc sinh thiết, siêu âm được sử dụng để dẫn kim vào tuyến giáp nhằm lấy mẫu mô hoặc dịch để xét nghiệm.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bướu giáp?

thuốc điều trị bướu cổ

Điều trị bướu cổ phụ thuộc vào kích thước của bướu, dấu hiệu và triệu chứng, nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như:

  • Quan sát. Nếu bướu cổ nhỏ và không gây ra vấn đề cũng như tuyến giáp hoạt động bình thường, bác sĩ có thể đề nghị theo dõi tình trạng.
  • Thuốc. Nếu bạn bị suy giáp, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thay thế hormone tuyến giáp bằng levothyroxine (Levoxyl, Synthroid, Tirosint). Điều này sẽ giải quyết các triệu chứng của suy giáp cũng như làm chậm việc giải phóng hormone kích thích tuyến giáp khỏi tuyến yên, do đó làm giảm kích thước của bướu cổ. Đối với viêm tuyến giáp, bác sĩ có thể đề nghị aspirin hoặc một loại thuốc corticosteroid để điều trị viêm. Đối với bướu kết hợp với cường giáp, bạn có thể cần thuốc để bình thường hóa mức độ hormone.
  • Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ tất cả hoặc một phần tuyến giáp (phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp toàn phần hoặc một phần) có thể được thực hiện nếu bạn có bướu cổ lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc khó nuốt. Trong một số trường hợp, nếu bạn mắc bệnh bướu cổ có thể gây tăng năng tuyến giáp. Phẫu thuật cũng là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp. Bạn có thể cần phải dùng levothyroxine sau phẫu thuật, tùy thuộc vào lượng tuyến giáp được loại bỏ.
  • Phóng xạ iốt. Trong một số trường hợp, iốt phóng xạ được sử dụng để điều trị tuyến giáp hoạt động quá mức. Iốt phóng xạ được uống và theo máu đến tuyến giáp, phá hủy các tế bào tuyến giáp. Phương pháp này có thể giúp giảm kích thước của bướu cổ, nhưng cũng có thể khiến tuyến giáp hoạt động kém.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa và hạn chế diễn tiến của bướu tuyến giáp?

bổ sung muối iot phòng ngừa bướu tuyến giáp

Một số thói quen trong ăn uống có thể giúp bạn phòng ngừa và hạn chế bệnh bướu cổ tiếp tục phát triển. Chúng có thể bao gồm:

  • Bổ sung đủ lượng iốt. Bạn có thể dùng muối iốt, ăn hải sản, rong biển 2 lần/tuần. Một số loại trái cây, rau quả, sữa bò và sữa chua cũng có nhiều iốt. Một người bình thường cần 150mcg iốt mỗi ngày. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai sẽ dùng một lượng khác. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
  • Tránh dùng quá nhiều iốt. Bạn có biết tiêu thụ quá nhiều iốt cũng dẫn đến bướu cổ. Nếu bạn bị bướu tuyến giáp vì nguyên nhân này, hãy hạn chế dùng muối iốt, cũng nhưng ăn hải sản.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 28/10/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo