backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Bệnh Sever

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/06/2019

Bệnh Sever

Tìm hiểu về bệnh Sever

Bệnh Sever là gì?

Bệnh Sever, còn gọi là viêm xương sụn vô khuẩn gót chân, là tình trạng sưng và kích thích sụn tiến hợp tăng trưởng ở gót chân. Sụn tiến hợp tăng trưởng là một lớp sụn gần cuối xương. Phần sụn này thường yếu và có nguy cơ cao gặp chấn thương hơn những phần xương khác.

Nếu bạn kiểm soát bệnh hiệu quả, bệnh Sever thường biến mất trong vòng vài tháng và không gây ra bất cứ vấn đề lâu dài.

Bệnh Sever có phổ biến không?

Bệnh Sever thường gặp ở bé trai. Trẻ mắc bệnh sẽ có giai đoạn phát triển muộn. Ngoài ra, bệnh thường xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 10 đến 15. Các bé gái từ 8-13 tuổi thường có nguy cơ mắc bệnh Sever.

Triệu chứng bệnh Sever

Những dấu hiệu và triệu chứng bệnh Sever là gì?

Triệu chứng xác định của bệnh Sever là đau ở gót chân. Cơn đau thường ở mặt dưới gót chân, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến hai bên và phía sau gót chân.

Cơn đau có xu hướng trở nên tồi tệ hơn trong hoặc sau khi bạn hoạt động thể chất. Các triệu chứng thường cải thiện khi bạn nghỉ ngơi.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Sưng gót chân
  • Đỏ da
  • Cứng chân khi thức dậy
  • Cơn đau trở nên tồi tệ hơn nếu gót chân hoặc bàn chân bị ép
  • Khó đi
  • Ở trẻ em mắc bệnh Sever, bạn có thể nhận thấy các triệu chứng bệnh bằng mắt, chẳng hạn như trẻ đi bằng mũi chân hoặc đi khập khiễng.

    Nguyên nhân gây bệnh Sever

    Nguyên nhân nào gây bệnh Sever?

    Bệnh Sever xảy ra khi bạn hoặc trẻ dùng lực quá mức tác động lên sụn tiến hợp tăng trưởng của gót chân.

    Trong giai đoạn phát triển của tuổi thiếu niên, xương gót chân có thể phát triển với tốc độ nhanh hơn các cơ và gân ở chân, dẫn đến kéo giãn quá mức các mô mềm này. Do đó, gót chân trở nên kém linh hoạt và tạo thêm áp lực lên sụn tiến hợp tăng trưởng.

    Khi các cơ và gân bị thắt chặt phải chịu thêm áp lực và căng liên quan đến các hoạt động thể thao và thể chất, sụn tiến hợp tăng trưởng sẽ gặp nhiều chấn thương, dẫn đến sưng và đau.

    Các hoạt động làm tăng nguy cơ mắc bệnh Sever bao gồm:

    • Chạy
    • Nhảy
    • Đứng trong thời gian dài

    Bóng rổ, bóng đá và thể dục dụng cụ là một trong những hoạt động thể chất có thể gây ra bệnh Sever. Chạy điền kinh hoặc nhảy dây cũng làm tăng nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh.

    Trong một nghiên cứu về chấn thương ở trẻ em từ 9-19 tuổi chơi bóng đá, các chuyên gia thấy rằng bệnh Sever chiếm 2% các chấn thương bóng đá, trong đó những trẻ dưới 11 tuổi có khả năng bị ảnh hưởng cao nhất.

    Các yếu tố khác liên quan đến bệnh Sever bao gồm:

    • Giày không phù hợp
    • Vận động trên bề mặt cứng
    • Vòm bàn chân phẳng hoặc cao
    • Bàn chân lệch trong
    • Hai chân không đều
    • Thừa cân hoặc béo phì

    Chẩn đoán và điều trị bệnh Sever

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi quyết định dùng thuốc.

    Những kỹ thuật y tế nào giúp bạn chẩn đoán bệnh Sever?

    Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh Sever dựa trên bệnh sử của trẻ và các triệu chứng hiện có.

    Họ cũng có thể kiểm tra gót chân bằng cách ấn hoặc bóp khu vực này để xem trẻ có đau không.

    Trẻ cũng được yêu cầu đi nhón chân để xem có các triệu chứng khác hay không.

    Các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm chụp X-quang, thường không được sử dụng để chẩn đoán bệnh Sever vì kết quả thường bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang để loại trừ các tình trạng và chấn thương bàn chân khác, chẳng hạn như gãy xương.

    Những phương pháp nào giúp bạn điều trị bệnh Sever?

    Hiện tại, vẫn chưa có một phương pháp điều trị cụ thể và duy nhất cho bệnh Sever. Do đó, các bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp để điều trị bệnh cho trẻ.

    Mục tiêu đầu tiên của việc điều trị là giảm đau ở bàn chân, giảm áp lực và sưng ở sụn tiến hợp tăng trưởng của gót chân. Vì vậy, khi mắc bệnh Sever, trẻ cần được nghỉ ngơi, tránh các hoạt động thể chất gây ra các triệu chứng và áp lực lên sụn tiến hợp tăng trưởng. Điều này sẽ giúp giảm đau và viêm.

    Một khi vết thương đã lành, bạn nên cho trẻ vận động trở lại từ từ để tránh bệnh tái phát.

    Các lựa chọn điều trị khác bao gồm:

    • Liệu pháp đá lạnh. Ngoài việc để chân nghỉ ngơi, bác sĩ có thể khuyên trẻ nên sử dụng túi nước đá để giảm sưng. Tuy nhiên, bạn không nên đặt đá lạnh trực tiếp lên da trẻ mà có thể bọc đá trong một miếng vải hoặc khăn. Chườm túi đá vào gót chân trong 20 phút mỗi lần, tối đa 3 lần một ngày.
    • Băng nén. Bạn có thể sử dụng băng nén hoặc vớ được thiết kế đặc biệt có thể giúp giảm đau và sưng ở gót chân.
    • Nâng chân cao. Nằm xuống và nâng cao bàn chân có thể giúp giảm sưng và đau.
    • Tập thể dục. Bài tập chân và bàn chân có thể giúp kéo giãn và tăng cường cơ bắp và gân. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải kiểm tra với bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý trước khi cho trẻ thử bất kỳ bài tập nào.
    • Giày hỗ trợ đặc biệt. Các bác sĩ có thể đề nghị giày hoặc đế giày đặc biệt để giảm áp lực cho xương gót chân. Biện pháp này thường được áp dụng cho trẻ có vòm bàn chân cao hoặc thấp.
    • Thuốc. Thuốc không kê đơn có thể giảm đau và viêm. Bạn nên hỏi dược sĩ những loại thuốc phù hợp với trẻ em để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
    • Bất động. Đối với các trường hợp nghiêm trọng của bệnh Sever, bác sĩ có thể yêu cầu trẻ phải bó bột trong tối đa 3 tháng để chân lành lại.

    Bệnh Sever thường không để lại biến chứng lâu dài. Trẻ em có thể trở lại hoạt động thể chất một khi cơn đau và các triệu chứng khác đã biến mất.

    Ngay cả với các phương pháp điều trị bảo tồn, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá, băng nén và kéo giãn, bệnh Sever thường mất từ 2-8 tuần để cải thiện. Tuy nhiên, can thiệp điều trị sớm có nghĩa là thời gian phục hồi nhanh hơn.

    Bệnh Sever có thể tái phát, đặc biệt nếu không được giải quyết nguyên nhân gây ra tình trạng này.

    Phòng ngừa bệnh Sever

    Những biện pháp nào giúp bạn phòng ngừa bệnh Sever?

    Trẻ nên tránh mang giày nặng hoặc cao gót. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại giày phù hợp cho trẻ.

    Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:

    • Duỗi bắp chân, gót chân và gân thường xuyên
    • Vận động nhẹ, chẳng hạn như bơi lội hoặc đi xe đạp
    • Chạy hoặc nhảy trên các bề mặt phù hợp
    • Chườm đá lạnh vào gót chân sau khi hoạt động thể chất
    • Nghỉ ngơi đầy đủ và tránh tập luyện quá sức, đặc biệt là trẻ cảm thấy đau ở gót chân
    • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và giảm cân nếu cần thiết
    • Điều trị các điều kiện sức khỏe làm tăng nguy cơ mắc bệnh Sever, chẳng hạn như bàn chân lệch trong, bàn chân bẹt hoặc vòm chân cao

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/06/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo