backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Nhận biết để kiểm soát sớm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/11/2023

Biến chứng bàn chân đái tháo đường: Nhận biết để kiểm soát sớm

Theo các tổ chức y tế trên thế giới và cả Việt Nam, biến chứng bàn chân đái tháo đường được xếp vào nhóm cần được quan tâm chăm sóc đặc biệt, cùng với những biến chứng khác trên thận, mắt, thần kinh,…Hiểu rõ về biến chứng này giúp người bệnh phối hợp tốt nhất với bác sĩ trong kế hoạch ngăn ngừa biến chứng tiểu đường gây loét da và hơn hết là giảm thiểu tối đa nguy cơ cắt cụt chi.  

Bàn chân đái tháo đường là gì?

Bàn chân đái tháo đường là biến chứng xảy ra ở người bị đái tháo đường (tiểu đường). Những người mắc bệnh này dễ mắc các vấn đề ở bàn chân do lượng đường huyết cao trong thời gian dài.

Nguyên nhân gây biến chứng tiểu đường ở chân

Bàn chân đái tháo đường là một dạng biến chứng đa yếu tố. Trong đó chủ yếu xuất phát từ hai nguyên nhân sau đây:

Bệnh thần kinh đái tháo đường

Theo thời gian, bệnh đái tháo đường có thể gây tổn thương thần kinh dẫn đến ngứa ran và tê nhức bàn chân. Điều này có thể làm cho những người bệnh giảm hoặc mất cảm giác ở tứ chi. Người bệnh sẽ không cảm nhận được khi có dấu hiệu đau nhức phồng rộp hoặc khi giầy quá chật cọ xát và chân gây loét. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện vết cắt, vết loét và mụn nước ở chân mà không được xử lý kịp thời. 

Xem thêm về: Bệnh thần kinh đái tháo đường

Bệnh mạch máu ngoại biên

Bệnh tiểu đường dẫn đến những thay đổi trong các mạch máu, bao gồm cả các động mạch. Trong bệnh mạch máu ngoại biên, chất béo tạo thành mảng bám và gây tắc nghẽn các mạch ở xa não và tim.

Bệnh có xu hướng ảnh hưởng đến các mạch máu ở các chi, chẳng hạn như tay và chân, làm giảm lưu lượng máu đến các bộ phận này.

Lưu lượng máu giảm có thể dẫn đến đau, nhiễm trùng và vết thương chậm lành hoặc thậm chí là không lành lại. Khi đó biến chứng tiểu đường gây loét da có thể dẫn đến hoại tử, thậm chí là đoạn chi do không thể điều trị nhiễm trùng hiệu quả. 

Dấu hiệu nhận biết bàn chân đái tháo đường

Các triệu chứng của bàn chân đái tháo đường có thể thay đổi từ người này sang người khác và phụ thuộc vào các vấn đề cụ thể mà người bệnh đang gặp phải vào thời điểm đó.

biến chứng tiểu đường ở chân

Tuy nhiên, các triệu chứng chung có thể bao gồm:

  • Mất cảm giác
  • Cảm giác tê hoặc ngứa ran
  • Có mụn nước hoặc các vết thương khác mà bạn không cảm thấy đau
  • Đổi màu da và thay đổi nhiệt độ cơ thể
  • Những vệt đỏ
  • Vết thương có hoặc không có chảy dịch
  • Đau nhói

Nếu nhiễm trùng phát triển, người bệnh cũng có các dấu hiệu sau đây:

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Không thể kiểm soát lượng đường trong máu
  • Run rẩy
  • Sốc
  • Đỏ da

Bất kỳ người bệnh mắc tiểu đường có triệu chứng nhiễm trùng, đặc biệt là ở bàn chân, nên cần được điều trị khẩn cấp.

Dưới đây là một số hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường:

hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường 1

hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường 2

hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường 3

hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường 4

hình ảnh biến chứng bàn chân tiểu đường 5

Các biến chứng của bàn chân đái tháo đường

Bệnh thần kinh tiểu đường và bệnh mạch máu ngoại biên là những tình trạng nghiêm trọng mà bác sĩ cần phải theo dõi chặt chẽ.

Cả hai tình trạng trên đều gây ra các biến chứng có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể, chẳng hạn như:

  • Loét chân hoặc vết thương không lành
  • Nhiễm trùng, bao gồm nhiễm trùng da, nhiễm trùng xương và áp xe
  • Hoại tử, khi nhiễm trùng gây chết mô
  • Dị tật chân
  • Tật bàn chân Charcot, làm thay đổi hình dạng của bàn chân khi xương ở bàn chân và ngón chân dịch chuyển hoặc gãy

Đôi khi các bác sĩ có thể đảo ngược các biến chứng bàn chân đái tháo đường, chẳng hạn như nhiễm trùng. Tuy nhiên, những trường hợp khác, bao gồm hoại tử, có thể dẫn đến những thay đổi vật lý vĩnh viễn hoặc đoạn chi.

Khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Trước tiên, những người bệnh đái tháo đường nên đi khám bác sĩ thường xuyên theo lịch hẹn. Đặc biệt, nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào sau đây, hãy đi cấp cứu ngay lập tức:

  • Thay đổi màu da ở bàn chân
  • Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Thay đổi nhiệt độ ở bàn chân
  • Vết loét trên bàn chân trong thời gian dài
  • Đau hoặc ngứa ở bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Móng mọc ngược
  • Nhiễm nấm chân
  • Da khô, nứt nẻ ở gót chân
  • Dấu hiệu nhiễm trùng

Những phương pháp nào giúp điều trị biến chứng tiểu đường ở chân?

Điều trị cho các vấn đề bàn chân đái tháo đường thay đổi tùy theo mức độ nghiêm trọng của tình trạng.

Điều trị không phẫu thuật

Trước tiên, bác sĩ sẽ cố gắng điều trị các vấn đề của bệnh đái tháo đường mà không cần phẫu thuật. Một số phương pháp bao gồm:

  • Giữ vết thương sạch
  • Đeo các thiết bị chuyên khoa cố định
  • Quan sát chặt chẽ bất kỳ hoại tử nào trên ngón chân

Điều trị phẫu thuật

điều trị biến chứng bàn chân đái tháo đường

Khi điều trị bảo tồn không chữa lành biến chứng bàn chân đái tháo đường, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Loại bỏ các mô chết
  • Đoạn chi
  • Phẫu thuật ổn định tật bàn chân Charcot
  • Bắc cầu động mạch cho bệnh mạch máu ngoại biên, giúp lưu thông máu đến khu vực chân
  • Phẫu thuật nội mạch với đặt stent. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng các thiết bị nhỏ để giữ cho các mạch máu luôn mở.
  • Những biện pháp ngăn ngừa bàn chân đái tháo đường

    Những mẹo chăm sóc bàn chân dưới đây có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa những biến chứng tiểu đường ở chân.

    • Kiểm tra bàn chân mỗi ngày để có thể phát hiện bất kỳ thay đổi hoặc chấn thương nào không.
    • Rửa chân hàng ngày để tránh nhiễm trùng.
    • Mang giày và vớ hỗ trợ. Không áp dụng vớ quá chật sẽ hạn chế lưu lượng máu.
    • Cắt móng cẩn thận. Cắt móng chân cẩn thận để không gây nhiễm trùng do móng cắt vào da.
    • Không nặn mụn cóc hoặc mụn nước vì sẽ gây nhiễm trùng.
    • Thường xuyên đến gặp bác sĩ để kiểm tra bàn chân, để phòng ngừa hoại tử.
    • Kiểm soát lượng đường trong máu.
    • Tránh hút thuốc. Hút thuốc ảnh hưởng xấu đến lưu lượng máu đến các mô, điều này có thể làm cho các vấn đề về chân trở nên tồi tệ hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 13/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo