backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Áp xe phổi - tình trạng nhiễm trùng phổi nguy hiểm bạn cần lưu ý

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 29/12/2023

    Áp xe phổi - tình trạng nhiễm trùng phổi nguy hiểm bạn cần lưu ý

    Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi nghiêm trọng do vi khuẩn gây hoại tử nhu mô phổi. Bệnh được phân loại dựa trên nguyên nhân (nguyên phát – thứ phát) hoặc theo thời gian (cấp tính – mạn tính). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, hội chứng shock nhiễm trùng, suy đa cơ quan thậm chí tử vong.

    Bài viết sau cung cấp thông tin về nguyên nhân, phân loại, triệu chứng của áp xe phổi để bạn đọc có thể nhận biết sớm. Đồng thời cũng đề cập các phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa nhằm mục đích tham khảo.

    Áp xe phổi là gì?

    Áp xe phổi là tình trạng nhiễm trùng phổi gây viêm và hoại tử nhu mô phổi. Bệnh tiến triển hình thành các ổ áp xe chứa đầy dịch mủ, xác bạch cầu chết và các vi sinh vật gây bệnh trong phổi. Nguyên nhân thường là do vi khuẩn và đôi khi do nấm hoặc ký sinh trùng. 

    Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở độ tuổi 25 – 45 tuổi. Người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân ung thư, sử dụng corticoid kéo dài…, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, mắc các bệnh phổi mạn tính có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

    Phân loại

    1. Dựa vào thời gian diễn tiến bệnh

  • Áp xe phổi cấp tính: Thời gian mắc bệnh kéo dài dưới 4 tuần.
  • Áp xe phổi mạn tính: Thời gian mắc bệnh kéo dài trên 4 tuần.
  • 2. Dựa vào nguyên nhân

    • Áp xe nguyên phát: Áp xe xảy ra mà không có tổn thương hay bệnh lý nào trước đó.
    • Áp xe thứ phát: Áp xe xảy ra trên các tổn thương từ trước như tắc nghẽn phế quản (ví dụ như dị vật, khối u), nhiễm trùng từ khu vực khác lan qua đường máu, phẫu thuật lồng ngực hoặc suy giảm khả năng miễn dịch,…

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra áp xe phổi

    Nguyên nhân phổ biến nhất của áp xe phổi là do hít phải tác nhân gây bệnh từ đường hô hấp. 

    Áp xe phổi có thể chỉ có 1 ổ hoặc thậm chí nhiều ổ (áp xe đa ổ). Áp xe đa ổ có xu hướng xảy ra do viêm phổi hoặc do nhiễm trùng huyết.

    nguyên nhân áp xe phổi

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến áp xe phổi nguyên phát

    Một số bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến phổi có thể dẫn đến áp xe phổi.

  • Viêm phổi: Bất kỳ loại viêm phổi nào, kể cả viêm phổi hít, đều có thể dẫn đến áp xe phổi.
  • Khối u: Tắc nghẽn đường thở do khối u thường dẫn đến viêm phổi (post-obstructive pneumonia) và áp xe. Ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi là dạng ung thư phổi phổ biến nhất gây ra áp xe phổi. Các bệnh ung thư khác, chẳng hạn như u lympho, cũng có thể là nguyên nhân.
  • Bệnh phổi: Các tình trạng về phổi như giãn phế quản, xơ nang, dập phổi và sốc nhiễm trùng có thể dẫn đến áp xe phổi.
  • Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây áp xe phổi thứ phát

    Nguyên nhân:

    • Hít phải vi sinh vật từ miệng và đường hô hấp trên.
    • Thuyên tắc nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể đi từ vùng nhiễm trùng khác (viêm tĩnh mạch huyết khối, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu ở bệnh nhân có đặt catheter mạch máu trung tâm, lạm dụng thuốc truyền tĩnh mạch,…) qua máu đến phổi.
    • Thâm nhập: Vi sinh vật có thể xâm nhập vào phổi từ các vùng lân cận như thực quản, nhiễm trùng trung thất hoặc áp xe dưới cơ hoành.

    Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

    • Suy giảm ý thức dẫn đến hít sặc trong các trường hợp sử dụng rượu và ma túy, hôn mê, đột quỵ, gây mê toàn thân, rối loạn co giật, thở máy.
    • Giảm khả năng kiểm soát cơ ở bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh cơ dẫn đến chứng khó nuốt hoặc không có phản xạ ho.
    • Người có các vấn đề về răng miệng như sâu răng, vệ sinh răng miệng kém, nhiễm trùng răng và nha chu.
    • Bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp trên.
    • Người suy giảm miễn dịch: Sử dụng corticosteroid lâu dài, thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm trùng huyết, tuổi cao, suy dinh dưỡng,…
    • Các tình trạng khác: Bệnh tiểu đường, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tắc nghẽn phế quản, nhiễm trùng khớp và cơ, nhiễm trùng huyết,…
    • Lạm dụng rượu.

    Mầm bệnh

    Vi khuẩn

    Áp xe phổi thường do cả vi khuẩn hiếu khí và vi khuẩn kỵ khí. Trung bình một người bệnh hiện diện 6 hoặc 7 loài khác nhau.

    • Vi khuẩn kỵ khí thường chiếm ưu thế, bao gồm: trực khuẩn Bacteroides, Fusobacterium, Finegoldia magna, Prevotella melaninogenica, Porphyromonas, Clostridium perfringens, Veillonella (phổ biến ở trẻ em hậu phẫu thuật và ở những người bị ung thư hoặc suy giảm miễn dịch).
    • Vi khuẩn hiếu khí cũng thường xuất hiện, đặc biệt ở những người bị suy giảm miễn dịch. Chúng có thể bao gồm: Klebsiella pneumoniae, Haemophilus influenzae, Pseudomonas aeruginosa, Legionella, Staphylococcus aureus, Streptococcus spp., Nocardia spp., Actinomyces spp., Burkholderia pseudomallei, Mycobacterium spp.

    Ký sinh trùng (ít gặp)

    • Entamoeba histolytica (amip gây bệnh lỵ)
    • Paragonimus westermani (sán lá phổi)
    • Echinococcus (Sán dây nhỏ)

    Nấm (ít gặp)

    • Aspergillus
    • Blastomyces
    • Histoplasma
    • Cryptococcus
    • Coccidioides
    • Fusarium

    Triệu chứng theo các giai đoạn của áp xe phổi

    Giai đoạn sớm

    Tùy thuộc vào hệ thống miễn dịch của bệnh nhân, áp xe phổi có thể biểu hiện âm thầm hoặc có triệu chứng. Triệu chứng có thể nhẹ như cúm hoặc biểu hiện rầm rộ như:

    • Sốt lên tới 39-40°C, ớn lạnh.
    • Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi.
    • Mệt mỏi, đau nhức cơ
    • Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng tiểu tiện ít, nước tiểu sẫm màu.

    Giai đoạn muộn

    • Đau ngực khi hít i thở sâu.
    • Ho dai dẳng: có thể ho khan hoặc ho ra máu hoặc mủ, đặc biệt nếu áp xe vỡ vào phế quản.
    • Tính chất mủ: Nếu tác nhân gây bệnh là virus, mủ sẽ có mùi thối; tác nhân là amip thì mủ có màu nâu; còn nếu do áp xe đường mật thông lên phổi thì mủ có màu vàng.
    • Mệt mỏi, hụt hơi.
    • Sụt cân.

    áp xe phổi

    Các biến chứng của áp xe phổi và tiên lượng bệnh

    Áp xe phổi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thường tiên lượng tốt, có thể khỏi hoàn toàn. Các biến chứng chỉ xảy ra do không được nhận biết, không được điều trị hoặc không điều trị đúng nguyên nhân gây áp xe phổi. Biến chứng có thể bao gồm: viêm màng phổi, viêm màng tim, xơ hóa màng phổi, tắc nghẽn phổi, suy hô hấp, rò phế quản màng phổi, giãn phế quản quanh ổ áp xe, nhiễm trùng huyết, áp xe não, viêm màng não, suy kiệt, suy đa cơ quan.

    Trong hầu hết các trường hợp, áp xe phổi nguyên phát được điều trị thành công với tỷ lệ khoảng 90% bằng liệu pháp kháng sinh theo kinh nghiệm, sau đó là kháng sinh nhắm mục tiêu theo kết quả nhuộm gram và nuôi cấy. Áp xe thứ phát cần điều trị các nguyên nhân cơ bản và có tiên lượng xấu so với áp xe phổi nguyên phát với tỷ lệ tử vong khoảng 75%, đặc biệt ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch và bệnh nhân có u phế quản.

    Chẩn đoán

    Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám các triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh nhân. Sau khi đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số kỹ thuật cận lâm sàng như:

    • Chụp X-quang ngực thẳng hoặc cắt lớp vi tính ngực (CT scan)
    • Xét nghiệm và nuôi cấy đờm, mủ.
    • Xét nghiệm máu. xét nghiệm dịch màng phổi.
    • Nội soi phế quản.

    áp xe phổi

    Phương pháp điều trị áp xe phổi

    Điều trị nội khoa

    • Khi nghi ngờ áp xe phổi, việc điều trị thường bắt đầu bằng khánh sinh. Phối hợp ít nhất 2 loại kháng sinh đường tiêm, dùng liều cao ngay từ đầu.
    • Sau khi có kết quả nuôi cấy vi khuẩn và kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
    • Thời gian dùng kháng sinh tối thiểu là 4 tuần, có thể thay đổi tùy theo đáp ứng lâm sàng. Cân nhắc chuyển sang dùng kháng sinh đường uống khi bệnh nhân hết sốt, ổn định và có thể ăn uống.
    • Với áp xe do nấm, ký sinh trùng cũng như nhiễm trùng Mycobacteria, Actinomyces hoặc Nocardia, có thể cần thời gian điều trị lâu hơn – có thể lên đến 6 tháng.

    Nếu áp xe không cải thiện bằng kháng sinh, có thể cần đến các phương pháp điều trị khác.

    Dẫn lưu mủ

    Nếu không thấy cải thiện sau 10 đến 14 ngày dùng kháng sinh, có thể cần phải dẫn lưu. 

    • Dẫn lưu qua da: Được thực hiện thông qua một kim xuyên qua thành ngực vào ổ áp xe.
    • Dẫn lưu nội khí quản: Thông qua ống nội soi phế quản. Dẫn lưu nội phế quản có thể được coi là lựa chọn tốt hơn cho các áp xe nằm ở trung tâm và cách xa màng phổi khi có nguy cơ thủng mô phổi.
    • Dẫn lưu tư thế vỗ rung lồng ngực: Dựa vào phim chụp X-quang phổi thẳng nghiêng để chọn tư thế dẫn lưu, vỗ rung lồng ngực cho người bệnh.

    Phẫu thuật

    Áp xe lớn hơn 6cm khó có thể giải quyết chỉ bằng liệu pháp kháng sinh và có thể cần phẫu thuật. Phẫu thuật phổ biến nhất là cắt bỏ khối u, cắt thùy phổi bị áp xe và một số mô xung quanh.

    Chỉ định phẫu thuật trong các trường hợp (tương đối):

    • Áp xe lớn (đường kính lớn hơn 6cm)
    • Ho ra máu
    • Nhiễm trùng huyết
    • Sốt kéo dài hoặc số lượng bạch cầu tăng cao
    • Hình thành lỗ rò phế quản màng phổi
    • Bệnh mủ màng phổi
    • Áp xe không được điều trị thành công bằng kháng sinh hoặc dẫn lưu
    • Khi nghi ngờ có bệnh ung thư tiềm ẩn

    Điều trị hỗ trợ

    • Sử dụng liệu pháp oxy hỗ trợ hô hấp cho người bệnh nếu cần thiết.
    • Bổ sung nước, duy trì cân bằng nước và điện giải.
    • Điều trị triệu chứng đau, sốt.
    • Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho người bệnh, đặc biệt là protein và vitamin.

    Biện pháp phòng ngừa áp xe phổi

    • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Che miệng khi hắt hơi hoặc ho.
    • Chú ý các biện pháp giữ ấm cho cơ thể, nhất là vào mùa đông.
    • Cải thiện vệ sinh răng miệng và chăm sóc răng miệng đúng cách, đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi và suy nhược.
    • Phòng tránh các dị vật rơi vào đường thở. Thận trọng khi tiến hành các thủ thuật ở vùng răng hàm mặt, tai mũi họng để tránh các mảnh vụn rơi vào khí phế quản.
    • Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, bổ sung các loại hoa quả, trái cây và thực phẩm dinh dưỡng chứa nhiều vitamin C và nhóm B;
    • Tiêm vắc xin ngừa bệnh đường hô hấp.
    • Ngăn ngừa hít sặc ở những người có nguy cơ cao: bảo vệ đường thở, giảm thiểu thuốc an thần, đặt tư thế thích hợp cho bệnh nhân.
    • Phải sử dụng kháng sinh dự phòng chống lại một số mầm bệnh nhất định ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
    • Bệnh nhân bị rối loạn thực quản hoặc những người đã trải qua phẫu thuật thực quản hoặc dạ dày có nguy cơ bị trào ngược, nên được hướng dẫn cách giảm thiểu nguy cơ hít phải dịch dạ dày bằng cách ngủ đúng tư thế và tránh để dạ dày quá đầy trước khi ngủ.

    Áp xe phổi là bệnh cực kì nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu có các triệu chứng sốt, ho, ớn lạnh, đau ngực,… bạn nên đi khám ngay. Đặc biệt là các đối tượng hệ miễn dịch suy giảm như người lớn tuổi, có bệnh mắc kèm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Nguyễn Ngọc Phượng · Ngày cập nhật: 29/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo