backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Chảy máu trực tràng có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/01/2023

Chảy máu trực tràng có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Chảy máu trực tràng là tình trạng có thể xảy ra ở bất kỳ ai và có thể do nhiều nguyên nhân. Một số trường hợp chảy máu trực tràng có thể phát hiện khi thấy máu trong phân, trên giấy vệ sinh, tuy nhiên cũng có trường hợp được phát hiện bằng các quan sát mẫu phân qua kính hiển vi.

Vậy chảy máu trực tràng là như thế nào? Nguyên nhân nào gây ra tình trạng này? Bạn hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về tình trạng này nhé!

Tìm hiểu về chảy máu trực tràng

Chảy máu trực tràng là gì?

Trước khi tìm hiểu về chảy máu trực tràng, bạn cần tìm hiểu trực tràng là gì. Trực tràng là đoạn ruột cuối của ruột già, nằm gần hậu môn nhất.

Do đó, chảy máu trực tràng có thể được xem là tình trạng chảy máu từ hậu môn. Bạn có thể phát hiện tình trạng này khi thấy máu trong phân, trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Máu thường có màu đỏ tươi, nhưng đôi khi có thể có màu sẫm.

Ngoài ra, không phải tất cả tình trạng chảy máu trực tràng có thể nhìn thấy bằng mắt. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ có thể phát hiện bằng cách quan sát mẫu phân qua kính hiển vi.

Những ai có thể bị chảy máu trực tràng?

Chảy máu trực tràng là một tình trạng rất phổ biến, xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát và giảm nguy cơ gặp phải tình trạng này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng chảy máu trực tràng

chảy máu trực tràng

Dấu hiệu chảy máu trực tràng là gì?

Có thể nhận biết tình trạng chảy máu trực tràng qua các dấu hiệu này? Theo các chuyên gia sức khỏe, các dấu hiệu và triệu chứng liên quan bao gồm:

  • Trực tràng đau hoặc căng cứng
  • Xuất hiện máu đỏ tươi trong phân, trên đồ lót hoặc trong bồn cầu
  • Phân có màu đỏ, màu hạt dẻ hoặc màu đen
  • Phân như hắc ín
  • Cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng
  • Ngất xỉu

Khi nào bạn nên đi khám?

Hãy đi khám ngay nếu bạn hoặc người thân có bất kỳ dấu hiệu sau đây:

  • Thở nhanh, nông
  • Chóng mặt hoặc chóng mặt sau khi đứng dậy
  • Nhìn mờ
  • Ngất xỉu
  • Nhầm lẫn
  • Buồn nôn
  • Da lạnh, dính, nhợt nhạt
  • Tiểu ít
  • Chảy máu trực tràng kèm theo đau bụng dữ dội hoặc co thắt
  • Chảy máu trực tràng liên tục hoặc nặng

Khi nhận thấy một trong những triệu chứng này hoặc có bất kỳ câu hỏi nào về tình trạng sức khỏe, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác.

Điểm mặt 6 nguyên nhân gây chảy máu trực tràng

chảy máu trực tràng

Ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc chảy máu trực tràng là gì thì nhiều người cũng quan tâm về nguyên nhân gây chảy máu trực tràng. Theo các chuyên gia sức khỏe, các nguyên nhân phổ biến gây chảy máu trực tràng gồm:

1. Bệnh trĩ gây chảy máu trực tràng 

Trĩ là nguyên nhân phổ biến gây chảy máu trực tràng. Trĩ có thể gây đau, ngứa và chảy máu đỏ tươi. Tuy nhiên, một số loại trĩ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh trĩ thường không nghiêm trọng và có thể được điều trị tại nhà. Bạn nên đến gặp bác sĩ trong trường hợp trĩ gây chảy máu nhiều hoặc các triệu chứng không thuyên giảm sau khi điều trị. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu thấy chảy máu ở hậu môn vì đây có thể là dấu hiệu liên quan đến các tình trạng sức khỏe nguy hiểm khác, như bệnh viêm ruột (IBD) hoặc ung thư ruột kết.

2. Bệnh túi thừa (viêm túi thừa)

Bệnh túi thừa khá phổ biến, có đến một nửa số người trên 60 tuổi có dấu hiệu bệnh túi thừa. Viêm túi thừa là tình trạng xuất phát từ các điểm yếu trên thành ruột già và phát triển thành túi lớn. Những túi này được gọi là túi thừa và thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cả. Những người mắc bệnh túi thừa có thể không phát hiện bệnh cho đến khi họ bị viêm túi thừa. Viêm túi thừa có thể làm cho một người bị bệnh nặng và gây đau bụng. Trong một số trường hợp, túi thừa có thể chảy máu. Do đó, bạn sẽ thấy máu trong phân hoặc ngay cả khi không đi tiêu. Bệnh túi thừa có thể không cần điều trị, nhưng những người mắc bệnh này phải đi khám thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe.

3. Nứt hậu môn

Vết nứt hậu môn có thể là một biến chứng của bệnh Crohn hoặc khi sinh con hoặc bởi bệnh trĩ do táo bón nghiêm trọng. Vết nứt hậu môn có thể gây chảy máu đỏ tươi xuất hiện trong phân hoặc hậu môn. Vết nứt cũng có thể gây đau khi đi tiêu. Hầu hết các vết nứt được phân loại là cấp tính và sẽ được điều trị với các liệu pháp không xâm lấn. Một vết nứt mãn tính và có khả năng không lành có thể cần điều trị chuyên sâu hơn, chẳng hạn như phẫu thuật.

4. Polyp và ung thư đại tràng gây chảy máu trực tràng

chảy máu trực tràng do ung thư

Ung thư đại tràng cũng là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trực tràng. Bệnh bắt đầu với các đợt xuất huyết bên trong đại tràng. Sàng lọc ung thư đại tràng bằng nội soi, đặc biệt đối với những người trên 50 tuổi, là một phương pháp quan trọng để loại bỏ polyp và ngăn ngừa ung thư.

5. Bệnh viêm ruột (IBD)

Chảy máu trực tràng do viêm ruột là tình trạng phổ biến hơn so với viêm loét đại tràng do bệnh Crohn.

6. Các nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân kể trên thì còn một số nguyên nhân góp phần gây chảy máu trực tràng thường gặp, chẳng hạn như:

  • Táo bón
  • Phân cứng
  • Mạch máu mỏng manh bất thường trong ruột (Angiodysplasia)
  • Bệnh tiêu chảy
  • Viêm ruột do thiếu máu cục bộ
  • Viêm trực tràng (viêm niêm mạc trực tràng)
  • Viêm đại tràng giả mạc (viêm đại tràng do nhiễm trùng)
  • Xạ trị
  • Hội chứng loét trực tràng đơn độc (loét trực tràng)
  • Viêm loét đại tràng (một loại viêm ruột)

Chảy máu trực tràng được điều trị như thế nào?

chảy máu trực tràng

Khi bị chảy máu trực tràng, tốt nhất bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà sẽ có cách điều trị khác nhau. Một khi nguyên nhân được “giải quyết”, tình trạng chảy máu sẽ dừng lại.

Mỗi nguyên nhân sẽ có các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh, chẳng hạn:

  • Bạn có thể giảm đau và khó chịu của bệnh trĩ bằng cách tắm nước ấm, ngâm mình trong bồn nước ấm. Sử dụng các loại kem không kê đơn hoặc theo toa cũng có thể làm giảm kích ứng.
  • Sử dụng thuốc làm mềm phân nếu bị táo bón và giúp chữa lành vết nứt hậu môn.
  • Ăn thực phẩm giàu chất xơ (trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ).
  • Tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa táo bón.
  • Giữ vệ sinh khu vực hậu môn.
  • Uống đủ nước.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng chảy máu trực tràng mà Hello Bacsi muốn chia sẻ cùng bạn. Nếu tình trạng này không thuyên giảm và ngày một nghiêm trọng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 17/01/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo