backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Giải đáp: Suy tuyến thượng thận có chữa được không?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 01/10/2020

    Giải đáp: Suy tuyến thượng thận có chữa được không?

    Vấn đề suy tuyến thượng thận có chữa khỏi được không đang là nỗi băn khoăn của rất nhiều người, khi mà căn bệnh này đang dần có xu hướng phát triển dễ dàng hơn trước. 

    Suy tuyến thượng thận, còn gọi là bệnh Addison hay chứng giảm năng tuyến thượng thận, đề cập đến tình trạng cơ thể thiếu hụt hormone cần thiết, chủ yếu là aldosterone và cortisol. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở những người từ 30 – 50 tuổi.

    Hiện nay, tình trạng sức khỏe trên đã không còn là vấn đề hiếm gặp. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa rõ suy tuyến thượng thận có chữa được không. Nếu được, liệu pháp điều trị sẽ gồm những gì?

    Suy tuyến thượng thận có chữa khỏi được không?

    Hiện nay, bệnh suy tuyến thượng thận vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Hầu hết người bệnh đều phải điều trị bằng thuốc đến hết đời.

    Liệu trình điều trị suy tuyến thượng thận chủ yếu là sử dụng thuốc corticosteroid vĩnh viễn. Tác dụng của nhóm thuốc này là bổ sung cortisol cũng như aldosterone, hai loại hormone mà cơ thể bạn không còn khả năng tiếp tục sản sinh.

    Phần lớn trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định bạn dùng hydrocortison để thay thế cortisol. Đôi khi, những loại thuốc khác cũng có thể góp mặt vào toa thuốc, ví dụ như prednisone hoặc dexamethasone. Tuy nhiên, so với hydrocortison, hai loại này không quá thông dụng.

    Trong khi đó, sự thiếu hụt aldosterone có thể được giải quyết bằng fludrocortison. Ngoài ra, nhằm đạt kết quả như mong đợi, đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bạn tăng thêm một lượng nhỏ muối ăn trong mỗi khẩu phần để hỗ trợ quá trình điều trị.

    Nhìn chung, liệu pháp điều trị suy thượng thận thường không gây tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc với liều lượng cao hơn so với chỉ định của bác sĩ trong thời gian dài, bạn có nguy cơ gặp phải những vấn đề như:

    • Xương yếu (loãng xương)
    • Tâm trạng thay đổi liên tục
    • Khó ngủ hay thậm chí là mất ngủ

    Lưu ý khi sử dụng thuốc trị suy tuyến thượng thận

    Sau khi nắm rõ vấn đề suy tuyến thượng thận có chữa được không, bạn cũng cần tìm hiểu cách sống chung với căn bệnh này vì điều trị bệnh Addison là liệu trình kéo dài vô thời hạn.

    Mặc dù bạn có thể ăn uống hay rèn luyện thể chất như bình thường khi đang dùng thuốc trị suy tuyến thượng thận, nhưng cơn mệt mỏi, đuối sức hay thậm chí là suy nhược vẫn rất dễ phát sinh. Bạn sẽ cần thời gian dể làm quen và kiểm soát tình trạng này.

    Ngoài ra, thuốc corticosteroid cũng yêu cầu độ chính xác cao về liều lượng cũng như thời gian uống khi được áp dụng. Nếu bạn uống không đủ hoặc trễ hơn thời gian quy định, một loạt vấn đề phát sinh thêm, chẳng hạn như:

    • Kiệt sức
    • Mất ngủ
    • Đái tháo đường
    • Tuyến giáp hoạt động kém
    Điều trị suy tuyến thượng thận ảnh hưởng đến giấc ngủ
    Giấc ngủ của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi liệu trình điều trị bệnh Addison, từ đó dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức.

    Do đó, để đảm bảo sức khỏe của bản thân, bạn nên:

    • Uống thuốc đúng giờ
    • Luôn để thuốc ở nơi bạn dễ tìm thấy, ví dụ như trên bàn làm việc
    • Chuẩn bị sẵn thuốc dự phòng nếu bạn đi công tác
    • Tìm kiếm sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp

    Khi nào bạn cần điều chỉnh đơn thuốc điều trị suy thượng thận?

    Thông thường, bạn cần phải đi tái khám mỗi 6 – 12 tháng. Lúc này, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng sức khỏe hiện tại để điều chỉnh lại toa thuốc nếu cần thiết.

    Tuy nhiên, việc điều chỉnh có thể đột ngột phát sinh nếu bạn rơi vào bất kỳ trường hợp nào dưới đây, bao gồm:

  • Nhiễm trùng, đặc biệt khi bạn sốt trên 38ºC
  • Bất kỳ tai nạn nào, ví dụ như tai nạn xe cộ
  • Thực hiện thủ thuật y tế, chẳng hạn như trám răng hay nội soi
  • Không thường xuyên tập thể dục
  • Sự điều chỉnh này sẽ hỗ trợ cơ thể giải quyết những vấn đề đang xảy ra.

    Đối phó với suy tuyến thượng thận cấp

    Các chuyên gia đánh giá suy tuyến thượng thận cấp là tình trạng sức khỏe cần được điều trị y tế ngay lập tức. Hãy gọi 115 nếu bạn gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, bao gồm:

    • Mất nước nghiêm trọng
    • Da nhợt nhạt, lạnh và có cảm giác nhớp nháp
    • Đổ nhiều mồ hôi
    • Thở nhanh
    • Chóng mặt
    • Nôn mửa và tiêu chảy nặng
    • Suy yếu cơ bắp nghiêm trọng
    • Đau đầu
    • Buồn ngủ nặng
    • Mất ý thức
    Đau đầu
    Đôi khi, đau đầu cũng có nguy cơ cảnh báo bạn đang bị suy tuyến thượng thận cấp.

    Sau khi nhập viện, bạn sẽ lập tức được truyền hỗn hợp dung dịch muối – đường (natri, glucose và dextrose) bằng cách tiêm tĩnh mạch nhằm nhanh chóng bù đắp cho phần chất lỏng đã bị hao hụt. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ tiêm hydrocortison để bổ sung cortisol cho bạn.

    Thêm vào đó, bất kỳ yếu tố nào gây nên tình trạng suy tuyến thượng thận cấp, chẳng hạn như nhiễm trùng, cũng sẽ được nhanh chóng điều trị triệt để trong giai đoạn này.

    Thực tế, suy tuyến thượng thận có chữa được không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như khả năng đáp ứng thuốc của cơ thể, sự tuân thủ của người bệnh, những biến cố ngoài ý muốn phát sinh… Ngoài ra, đây còn là liệu trình điều trị vô thời hạn. Vì vậy, để cải thiện sức khỏe, bạn nên làm theo những gì bác sĩ căn dặn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 01/10/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo