Những người trẻ tuổi thường bỏ qua các triệu chứng nhỏ như run nhẹ đầu ngón tay hay run chân vì cho rằng đó là do cơ thể bị suy nhược. Thật ra, tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải hội chứng ngoại tháp.
Vậy hội chứng ngoại tháp là gì và cách chữa trị như thế nào? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng ngoại tháp là bệnh gì?
Hệ ngoại tháp là tập hợp một nhóm tế bào thần kinh nhân xám tại đáy não, cùng với tiểu não tác động lên các tế bào não vùng vận động để chi phối các cử động và điều hòa trương lực cơ của cơ thể. Vì vậy, bất kỳ nguyên nhân nào gây tổn thương hệ ngoại tháp đều dẫn đến các rối loạn vận động ở ngoại biên như tay chân run rẩy, cứng cơ, múa giật, đi lại chậm chạp…
Nguyên nhân gây hội chứng ngoại tháp
Phần lớn những người mắc chứng bệnh này đều do sự tổn thương hoặc thoái hóa các tế bào thần kinh ngoại tháp vì các bệnh lý sau:
• Rối loạn mạch máu: Điển hình là các tình trạng như xơ cứng động mạch, viêm mạch, xuất huyết não hay nhồi máu não.
• Di chứng sau chấn thương hoặc thiếu máu não: Di chứng sau chấn thương, phẫu thuật hoặc tình trạng thiếu máu não mạn tính trong bệnh tăng huyết áp lâu ngày, thoái hóa đốt sống cổ…
• Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc chống loạn thần, thuốc chống nôn metoclopramide, thuốc kháng histamin có thể gây ra tác dụng phụ.
• Tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất: Các hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, kim loại nặng (thủy ngân, chì, lithium…), rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson), nhiễm khuẩn não…
• Các bệnh lý thần kinh: Bệnh Huntington, tổn thương nhân dưới đồi thị, bệnh động kinh…
Để định hướng được phương pháp cũng như thuốc điều trị hội chứng ngoại tháp đúng cách, bạn cần hiểu rõ và biết cách phân loại các triệu chứng chính của hội chứng này.