backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Đọc ngay để có câu trả lời!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết? Đọc ngay để có câu trả lời!

    Sốt xuất huyết là một căn bệnh do virus gây ra ở người. Dịch sốt xuất huyết thường xảy ra theo chu kỳ từ 3–5 năm một lần và nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Việc bị muỗi mang mầm bệnh đốt là nguyên nhân chính dẫn đến lây nhiễm, tuy nhiên chúng ta thường không biết muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết.

    Tình hình nhiễm sốt xuất huyết ở Việt Nam diễn biến không ổn định nhưng thời kỳ cao điểm của dịch sốt xuất huyết là từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm. Ước tính đến cuối tháng 9 năm 2022, cả nước ghi nhận 224.771 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 92 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng. Các chuyên gia cảnh báo tái nhiễm virus dengue có thể làm sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn. Khoảng 90% số ca tử vong do sốt xuất huyết là ở nhóm bệnh nhân dưới 15 tuổi.

    Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giải đáp cho bạn thắc mắc “muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?” để có thể kịp thời đi khám, điều trị và chăm sóc đúng cách.

    Muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?

    Muỗi gây sốt xuất huyết

    Nhiều người thường thắc mắc bị muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết, muỗi đốt mấy ngày thì bị sốt xuất huyết hay bị muỗi vằn đốt bao lâu thì sốt? Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, sau khi nhiễm virus dengue từ vết đốt của muỗi, bệnh nhân trải qua thời gian ủ bệnh kéo dài 3–14 ngày (trung bình là 4–10 ngày).

    Sau giai đoạn ủ bệnh, sốt xuất huyết bắt đầu bùng phát với giai đoạn đầu là sốt, biểu hiện những triệu chứng không đặc hiệu, giống như cảm cúm. Bệnh nhân thường sốt kéo dài từ 2–7 ngày, giảm dần khi virus gây bệnh sốt xuất huyết không còn trong máu. Người bệnh sẽ sốt cao (40ºC) và thường kèm theo ít nhất hai trong số những triệu chứng sau đây:

  • Đau đầu
  • Nhức sau hốc mắt
  • Buồn nôn, nôn
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau mỏi cơ, xương hay khớp
  • Phát ban hoặc ngứa.
  • Tiếp theo là giai đoạn sốt xuất huyết nặng (hay còn gọi là giai đoạn xuất huyết). Giai đoạn này thường xảy ra vào ngày thứ 3–7 sau khi bệnh khởi phát, đây là giai đoạn mà các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện. Thân nhiệt có thể giảm xuống nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, chúng ta cần phải theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sau vì rất có thể bệnh sẽ tiến triển thành sốt xuất huyết nặng:

    • Đau bụng cấp
    • Nôn dai dẳng
    • Chảy máu chân răng
    • Nôn ra máu
    • Thở gấp
    • Mệt mỏi/bứt rứt

    Khi nghi ngờ bệnh chuyển biến sang giai đoạn xuất huyết, người bệnh cần được đưa đến trung tâm hoặc cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu vì có thể khiến:

  • Thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc hay ứ dịch, kèm hoặc không kèm theo suy hô hấp
  • Xuất huyết nặng
  • Suy tạng nặng.
  • Sốc sốt xuất huyết nặng về cơ bản là sốt xuất huyết với tiến triển gây suy tuần hoàn, hạ huyết áp, huyết áp kẹt (hiệu số giữa huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu nhỏ hơn 20mmHg) và cuối cùng là sốc dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tử vong có thể diễn ra sau 8–24 giờ sau khi xuất hiện dấu hiệu suy tuần hoàn.

    Cách phòng tránh muỗi đốt cho cả nhà

    muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết

    Ngoài việc thắc mắc “muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết?” hay “sau khi bị muỗi đốt bao lâu thì sốt”… nhiều người cũng đi tìm các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt để phòng bệnh.

    Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là loại bỏ môi trường sinh sản, đẻ trứng của muỗi vằn hay còn gọi là giảm nguồn lây. Một khi số lượng trứng, lăng quăng và bọ gậy giảm sẽ giúp làm giảm số lượng muỗi trưởng thành, từ đó giảm mức độ lây truyền bệnh. Để làm được điều này, bạn có thể:

    • Ngăn ngừa muỗi tiếp xúc với môi trường đẻ trứng bằng cách quản lý và dọn dẹp những nơi thuận lợi cho muỗi sinh sản, chẳng hạn như các dụng cụ chứa nước mưa hoặc chứa nước sinh hoạt phải được đậy kín hoặc loại bỏ đúng cách
    • Chà rửa kỹ những thùng chứa nước ít nhất 1 lần/tuần để loại trừ trứng muỗi, tránh không để trứng/ấu trùng/nhộng phát triển thành muỗi trưởng thành
    • Xử lý chất thải đúng cách, loại bỏ những môi trường sống nhân tạo cho muỗi
    • Cho thêm muối hoặc thuốc diệt côn trùng thích hợp vào các thùng chứa nước ngoài trời
    • Có biện pháp bảo vệ bản thân và gia đình như ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng thuốc diệt muỗi…
    • Kêu gọi mọi người cùng tham gia chiến dịch phòng chống sốt xuất huyết
    • Sử dụng thuốc diệt côn trùng, diệt muỗi phun trong không khí trong thời điểm dịch bùng phát là một biện pháp kiểm soát vật trung gian truyền bệnh khẩn cấp
    • Phát hiện các biểu hiện lâm sàng và theo dõi người bệnh sốt xuất huyết sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết nặng.

    Hy vọng với những thông tin được cung cấp trên đây, bạn đã biết đặc điểm của vật trung gian truyền bệnh, muỗi đốt bao lâu thì bị sốt xuất huyết và những biện pháp để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Quỳnh · Ngày cập nhật: 04/08/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo