backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

19 tuần

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    Hành vi và phát triển

    Bé phát triển như thế nào?

    Vào tuần 19, bé có thể:

    • Giữ đầu thẳng chiều với cơ thể khi ngồi;
    • Lật (theo một chiều);
    • Chú ý theo hướng có tiếng nói, đặc biệt là tiếng của mẹ;
    • Nói được vài từ đơn giản;
    • Đùa giỡn.

    Mẹ cần làm gì để hỗ trợ cho bé?

    Bạn hãy khuyến khích bé cười bằng cách cười với bé hoặc làm mặt hề. Các bé cũng rất thích nghe một loạt các âm thanh. Bạn không cần phải dùng đồ chơi hay công cụ đặc biệt nào để tạo ra âm thanh mà đơn giản chỉ cần sử dụng lưỡi của bạn để huýt sáo, tạo tiếng động vật; chắc chắn bé sẽ rất thích thú với việc này! Hãy thử đưa cho bé chiếc lắc đồ chơi và bạn sẽ thấy bé tỏ ra thích thú khi lắc nó để tạo ra âm thanh.

    Hãy khuyến khích bé khám phá và chơi cùng các đồ vật khác nhau. Bạn có thể quan sát bé chăm chú chơi, nghịch và thể hiện sự tò mò với món đồ chơi.

    Sức khỏe và an toàn

    Mẹ nên trao đổi gì với bác sĩ?

    Mỗi bác sĩ sẽ có các bài kiểm tra thể chất tổng quát, cũng như số lượng, loại kỹ thuật để chẩn đoán và thủ tục thực hiện khác nhau tùy theo thể trạng từng bé. Bác sĩ hoặc y tá sẽ kiểm tra toàn bộ hoặc hầu hết các điều sau:

    • Tiêm phòng đợt hai cho bé nếu bé khỏe mạnh và không có chỉ định khác từ bác sĩ;
    • Báo với bác sĩ nếu bé có bất kỳ phản ứng nào từ lần tiêm trước.

    Mẹ nên biết thêm những gì?

    Vào giai đoạn này, bạn cần lưu ý một vài điều sau.

    Virus đường hô hấp cấp (RSV)

    RSV hay còn gọi là virus đường hô hấp cấp thường có triệu chứng tương tự cảm lạnh. Virus này không gây ra các bệnh quá nguy hiểm nhưng là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phế quản, viêm phổi, từ đó có thể phát triển thành bệnh hen suyễn hoặc các bệnh về đường hô hấp khác. Hầu hết trẻ em dưới hai tuổi rất dễ nhiễm loại virus này. Tuy nhiên bệnh này đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi, trẻ sơ sinh có vấn đề về sức khỏe, trẻ sơ sinh thiếu tháng hoặc có hệ miễn dịch yếu.

    Ban đầu bé có thể bị cảm nhẹ, nhưng sau một vài ngày bệnh diễn tiến nghiêm trọng hơn có thể gây khó thở. Dấu hiệu cho thấy bé có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng là lỗ mũi mở rộng, lồng ngực căng phồng, cơ bụng thắt chặt, thở khò khè, thở dồn dập (hơn 60 lần mỗi phút), môi, móng tay có màu xanh và gặp vấn đề khi bú sữa.

    Nếu bé bị nhiễm virus đường hô hấp cấp, hãy gọi cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn đưa bé đến phòng khám để kiểm tra quá trình thở của bé. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giãn phế quản dạng hít giúp bé thở dễ dàng hơn. Thuốc kháng sinh không thể giúp điều trị bệnh virus đường hô hấp cấp. Tuy nhiên bạn có thể chăm sóc cho bé tại nhà bằng cách cho bé uống đủ nước và tránh xa khói thuốc lá để tránh cho bé khó thở.

    Hãy thử cho bé nhỏ thuốc nhỏ mũi hay thuốc dạng ống xịt để bé dễ thở hơn. Các thuốc này có thể làm loãng dịch nhầy ở mũi bé, từ đó ngăn chặn tình trạng khó thở. Đồng thời, giữ cao đầu khi bé ngủ. Bạn có thể cho bé uống acetaminophen (paracetamol) nếu bé bị sốt nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ. Các bé sinh non, bé bị bệnh phổi hoặc tim bẩm sinh khi tới mùa dịch RSV cần được tiêm ngừa để giúp bé chống lại virus.

    Bệnh tim thổi

    Tim là cơ quan duy trì sự sống nên bất cứ vấn đề nào về tim đều hết sức nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, phần lớn các ca mắc bệnh tim thổi đều không đáng lo ngại.

    Khi các bác sĩ nói rằng bé có tiếng thổi tim, điều này có nghĩa là tim phát ra âm thanh bất thường khi máu chảy qua tim đến mức có thể nghe thấy. Các bác sĩ thường có thể chỉ ra cho bạn nguyên nhân gây ra âm thanh bất thường.

    Hầu hết thời gian, bệh tim thổi là do hình dạng bất thường của tim trong quá trình phát triển. Âm thanh này được cho là vô hại và thường có thể chẩn đoán được bằng cách kiểm tra bằng ống nghe. Bé sẽ không cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm, điều trị hoặc bị giới hạn hoạt động nào cả. Hơn một nửa số trẻ em gặp phải tình trạng này và tình trạng này có thể kéo dài suốt cả thời thơ ấu. Thường thì khi tim bé phát triển hoàn thiện, tiếng thổi tim sẽ tự động biến mất.

    Nếu bạn vẫn còn lo lắng, hãy hỏi bác sĩ để biết chính xác tình trạng tim của bé và liệu nó có ảnh hưởng gì đến bé hiện tại và sau này hay không.

    Mối quan tâm của mẹ

    Những điều mẹ cần quan tâm là gì?

    Mát-xa cơ thể

    Mát-xa không chỉ dành cho người lớn. Vài năm gần đây, mát-xa phổ biến hơn cả ở trẻ sơ sinh và được xem như một liệu pháp rất tốt cho sức khỏe: Nhờ nó mà bé phát triển nhanh hơn, ngủ ngon giấc hơn, thở tốt hơn và tỉnh táo hơn.

    Nếu bạn muốn tìm hiểu làm thế nào để mát-xa cho bé, hãy tìm mua sách, xem video hay tham gia một lớp học với chuyên gia trị liệu để học cách mát-xa hiệu quả cho bé. Hoặc bạn cũng có thể thử mát-xa cho bé theo các bước sau đây:

    • Chọn thời điểm thuận tiện cho bạn;
    • Chọn thời điểm thích hợp cho bé;
    • Tạo không gian thoải mái;
    • Sử dụng dầu bôi trơn nếu bạn thích;
    • Thực hiện theo phản ứng của bé: bé sẽ cho bạn biết rằng liệu bé có thích mát-xa hay không và bạn cũng sẽ biết được khi nào nên thực hiện, và khi nào thì nên dừng lại dựa vào các phản ứng của bé;
    • Thử nghiệm các động tác: Nói chung, trẻ sơ sinh thích được chạm nhẹ nhàng. Dưới đây là một vài ý tưởng để bạn bắt đầu:
      • Nhẹ nhàng đặt cả hai tay lên hai bên đầu của bé và giữ trong một vài giây. Sau đó, vuốt nhẹ hai bên mặt của bé, tiếp tục vuốt xuống hai bên cơ thể cho tới ngón chân;
      • Mát-xa vòng tròn trên đầu bé bằng ngón tay. Vuốt nhẹ trán bé bằng cách nhẹ nhàng nhấn hai tay từ giữa trán vuốt ra phía ngoài;
      • Vuốt nhẹ ngực bé từ trong ra ngoài;
      • Vuốt nhẹ bụng từ trên xuống dưới bằng cạnh bàn tay rồi chuyển qua tay kia và tạo thành hình vòng tròn. Sau đó, để cho ngón tay của bạn bước đi trên bụng bé;
      • Nhẹ nhàng cuộn cánh tay và chân bé vào giữa hai bàn tay của bạn, vuốt cánh tay và chân bé. Mở lòng bàn tay và xoa bóp ngón tay của bé;
      • Nâng chân bé lên rồi đặt xuống lại. Xoa bóp, vuốt ve các ngón chân đang duỗi thẳng của bé;
      • Đặt bé nằm úp và xoa bóp lưng từ bên này qua bên kia và từ trên xuống dưới;
      • Trong khi xoa bóp, hãy nói chuyện hoặc hát nhẹ nhàng cho bé nghe. Luôn luôn giữ một tay trên người bé.

    Hãy thử mát-xa cho bé và bạn sẽ bất ngờ với phản ứng của bé.

    Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo