backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm ở trẻ bắt buộc tiêm chủng

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    Danh sách 10 bệnh truyền nhiễm ở trẻ bắt buộc tiêm chủng

    Bệnh truyền nhiễm ở trẻ đang ngày một diễn biến phức tạp. Mới đây, Bộ Y tế đã ra Thông tư mới nhất về việc trẻ em dưới 5 tuổi cần bắt buộc tiêm chủng 10 bệnh truyền nhiễm hàng đầu. 

    Theo thông tư số 38/2017/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ ngày 1–1–2018, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống bắt buộc phải tiêm phòng vắc xin 10 bệnh truyền nhiễm gồm viêm gan siêu vi B, bệnh lao, bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh bại liệt, bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae type b, bệnh sởi, viêm não Nhật Bản và rubella. Nắm bắt thông tin kịp thời giúp bạn đưa bé đi tiêm phòng đầy đủ.

    1. Bệnh viêm gan siêu vi B

    Viêm gan B hay viêm gan siêu vi B là căn bệnh đứng đầu danh mục các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em bắt buộc tiêm chủng. Bệnh do virus viêm gan B tấn công và làm suy giảm chức năng gan.

    Viêm gan B được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” vì thường không gây ra triệu chứng bệnh gì cho đến khi gan của người bệnh đã tổn hại nặng sau nhiều năm mắc bệnh. Viêm gan B có 2 dạng là cấp tính và mạn tính. Bệnh cấp tính chỉ xảy ra trong thời gian ngắn khoảng 6 tháng kể từ khi phơi nhiễm virus. Trái lại, viêm gan B mạn tính sẽ theo bệnh nhân đến suốt đời.

    Theo văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, khả năng nhiễm virus viêm gan B mạn tính phụ thuộc rất nhiều vào độ tuổi lúc nhiễm bệnh. Nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 6 tuổi rất dễ trở thành mạn tính. Có đến 80 – 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B và sau đó bệnh tiến triển thành mạn tính.

    Bệnh truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh như viêm gan B hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng cách tiêm vắc xin.

    2. Bệnh lao

    Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây nên. Bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi cũng như các cơ quan hô hấp. Virus gây bệnh lao rất dễ tấn công những người có hệ miễn dịch kém như người già và đặc biệt là trẻ em. Tiêm phòng lao sớm cho trẻ là điều kiện quan trọng để phòng bệnh cho con.

    Nếu thấy trẻ có các triệu chứng như ho kéo dài trong ít nhất 3 tuần, ho kèm theo đờm hoặc máu, đau ngực, sốt, đổ mồ hôi đêm, sụt cân, ăn không ngon miệng, mệt mỏi và yếu người, bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

    3. Bệnh bạch hầu

    Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, làm tổn thương đến niêm mạc mũi và cổ họng. Bệnh thường bùng phát ở những vùng dân cư đông đúc, chật hẹp, điều kiện vệ sinh kém. Trẻ em chưa được chủng ngừa là đối tượng rất dễ bị vi khuẩn tấn công.

    Những dấu hiệu bệnh điển hình gồm có đau họng, sưng hạch ở cổ, chảy nước mũi, khó thở, khó nuốt, sốt…

    4. Ho gà

    Ho gà là bệnh lây truyền ở đường hô hấp qua mũi và họng. Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh là những đợt ho kéo dài từng đợt kèm theo những tiếng rít như tiếng gà gáy. Đó là lý do vì sao nó có tên là ho gà.

    Ở giai đoạn đầu, bệnh thường nhẹ và khá giống cảm cúm thông thường với các dấu hiệu như sốt, sổ mũi, nghẹt mũi, ho, mắt đỏ. Về sau, bệnh tiến triển nặng với các triệu chứng là buồn nôn, mệt mỏi, ho kéo dài kèm tiếng rít trong mỗi lần thở.

    5. Uốn ván

    Uốn ván (hay còn gọi bệnh phong đòn gánh) là bệnh truyền nhiễm ở trẻ do vi khuẩn mang tên Clostridium tetani thường có trong đất tấn công, gây tổn thương thần kinh. Phần cơ bắp do những dây thần kinh này điều khiển dần bị liệt và tê cứng.

    Trong vòng 7 ngày khi tiếp xúc với vi khuẩn này, cơ thể có những dấu hiệu như co giật, cơ mình uốn éo từng cơn, cơ mặt bị méo, đau đớn toàn thân, cứng hàm… Hệ miễn dịch yếu và không nhận được thuốc tiêm phòng kịp thời là nhân tố hàng đầu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ.

    6. Bại liệt

    Bại liệt là bệnh truyền nhiễm với tốc độ lây lan nhanh. Bệnh tấn công hệ thần kinh, gây bại liệt vĩnh viễn ở trẻ đối với trường hợp nặng. Trẻ em dưới 1 tuổi cần được chủng ngừa vắc xin phòng bại liệt bằng đường uống hoặc tiêm.

    7. Bệnh do Haemophilus influenzae type b (Hib)

    Hib là vi khuẩn được tìm thấy ở đường hô hấp trên như phổi và phế quản. Trẻ em dưới 2 tuổi rất dễ nhiễm Hib và mắc phải những bệnh lý nghiêm trọng như viêm màng não, viêm phổi…

    Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 5 tuổi cần tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa bệnh càng sớm càng tốt.

    8. Bệnh sởi

    Sởi là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ do virus gây nên. Bệnh gây ra các triệu chứng như phát ban, sốt, mệt mỏi, chán ăn, miệng, cổ họng có những đốm xám trắng…

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất dễ gặp phải những biến chứng khác của bệnh như viêm phổi, viêm tai giữa, xuất huyết tiểu cầu…

    Bệnh hoàn toàn có thể được phòng tránh bằng cách chủng ngừa vắc xin định kỳ đầy đủ cho trẻ.

    Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm ở trẻ

    9. Bệnh viêm não Nhật Bản

    Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm phổ biến ở vùng châu Á. Bệnh lây lan qua vết cắn của muỗi mang virus. Trẻ em mắc viêm não Nhật Bản thường có những biểu hiện như sốt cao, co giật, vẹo cổ, không nói được…

    Vắc xin viêm não Nhật Bản có thể giúp phòng ngừa nhiễm bệnh. Bạn nên lưu ý là vắc xin chỉ dùng cho người lớn và trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên. Ngoài ra, những du khách đi du lịch tới những vùng có ổ dịch hoặc những vùng nông  thôn, ngoài trời cũng nên tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh.

    10. Rubella

    Rubella còn có tên gọi khác là bệnh sởi Đức. Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu mắc phải bệnh rubella rất nguy hiểm bởi vì đây là giai đoạn thai nhi đang phát triển các cơ quan. Virus rubella có nguy cơ cao gây dị tật ở thai nhi. Bộ Y tế khuyến cáo trẻ em bắt buộc tiêm phòng bệnh sởi, quai bị và rubella (MMR).

    Tiêm phòng vắc xin cho trẻ kịp thời là điều kiện tiên quyết để giúp bé tăng cường sức đề kháng và chống lại 10 bệnh truyền nhiễm điển hình nhất. Bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được chủng ngừa từ sớm nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Mai Hồ · Ngày cập nhật: 08/09/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo