backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm gan là gì?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 04/02/2021

Viêm gan là gì?

Viêm gan là một trong những vấn đề sức khoẻ phổ biến xảy ra tại cơ quan này. Mặc dù vậy, hiện nay, không ít người vẫn chưa hiểu rõ viêm gan là gì cũng như cách phòng ngừa hay chữa trị hiệu quả.

Để làm rõ những vấn đề xoay quanh căn bệnh về gan này, mời bạn cùng Hello Bacsi tham khảo bài viết sau. 

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm gan là gì?

Tình trạng gan chịu thương tổn bởi sự hiện diện của những tế bào bị viêm gọi là viêm gan. Phần lớn trường hợp, viêm gan xảy ra do nhiễm virus. Tuy nhiên, không ít người mắc bệnh bởi những yếu tố khác, chẳng hạn như tác dụng phụ của thuốc, hệ miễn dịch tấn công nhầm… Tùy vào vấn đề mà bạn gặp phải, bác sĩ sẽ đề xuất một hoặc nhiều hướng điều trị viêm gan phù hợp. 

Ngoài ra, một người có thể bị viêm gan cấp tính hoặc mãn tính. Trong đó:

  • Viêm gan cấp tính: khởi phát đột ngột và có thể điều trị nhanh chóng trong vài tuần hoặc vài tháng
  • Viêm gan mạn (mãn tính): có thể âm thầm xảy ra trong thời gian dài (một số trường hợp lên đến 20 năm) trước khi bộc lộ triệu chứng viêm gan. Đồng thời, tình trạng này rất dễ chuyển biến thành xơ gan hay thậm chí là ung thư gan với rủi ro tử vong cao. 
  • Các loại viêm gan thường gặp

    Viêm gan được chia thành 2 nhóm chính là:

    • Viên gan siêu vi
    • Viêm gan không do virus

    Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

    Các triệu chứng, dấu hiệu nhận biết bệnh viêm gan là gì?

    triệu chứng viêm gan

    Khi viêm gan cấp tính xảy ra, bạn có thể nhanh chóng nhận thấy các dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như:  

    • Mệt mỏi, thậm chí là suy nhược
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Vàng mắt và vàng da
    • Đau bụng
    • Phân nhạt màu
    • Sụt cân không rõ nguyên nhân
    • Mất khẩu vị, chán ăn

    Mặt khác, những người bị viêm gan siêu vi mạn tính, chẳng hạn như viêm gan B hoặc viêm gan C, thường không bộc lộ triệu chứng ngay từ đầu. Tốc độ phát triển của viêm gan mạn tính tương đối chậm nên triệu chứng viêm gan cần thời gian dài mới thể hiện rõ ràng. 

    Bệnh viêm gan có nguy hiểm không?

    Nếu không được điều trị hiệu quả ngay từ đầu, tình trạng viêm gan rất dễ để lại các mô sẹo tại cơ quan này, từ đó hình thành vấn đề xơ gan. Khi đó, lưu lượng máu đến đây bị cắt giảm đáng kể, ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng gan.

    Gan mất khả năng hoạt động lâu ngày sẽ dẫn đến suy gan. Lúc này, người bệnh có nguy cơ cao đối mặt với một loạt biến chứng nguy hiểm, bao gồm: 

    Do đó, nếu bạn bắt gặp bất kỳ triệu chứng viêm gan nào được đề cập bên trên, hãy mau chóng tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra đúng cách. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy, việc thảo luận với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình có thể giúp bạn nhanh chóng tìm ra giải pháp điều trị tối ưu nhất.

    Nguyên nhân gây bệnh

    Bệnh viêm gan có khả năng phát sinh bởi nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi loại viêm gan sẽ có nguyên nhân gây bệnh riêng, chẳng hạn như:

    Bệnh viêm gan siêu vi

    virus viêm gan là gì

    Nguyên nhân gây viêm gan siêu vi bắt nguồn từ sự xâm nhập cơ thể của virus. Hiện nay có tất cả 5 chủng virus gây viêm nhiễm ở tế bào gan, lần lượt là virus viêm gan A, B, C, D và E. Các chuyên gia cũng đặt tên từng trường hợp tương ứng với chủng vi sinh vật gây bệnh. Trong đó: 

    • Viêm gan A: chủ yếu xuất hiện dưới dạng cấp tính, có thể chữa lành trong thời gian ngắn
    • Viêm gan B, C, D: dễ tiến triển thành bệnh mãn tính với nhiều nguy cơ phát sinh biến chứng phức tạp. Theo thống kê từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), khoảng 4,4 triệu người dân ở Hoa Kỳ hiện đang sống chung với bệnh viêm gan B và C. Nhiều người thậm chí còn không biết bản thân đang mắc bệnh. Trong khi đó, Việt Nam cũng là một trong nhiều nước có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi B cao, với nguy cơ mãn tính lên đến 90%. 
    • Viêm gan E: thường xảy ra ở dạng cấp tính như viêm gan A. Dạng này đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ đang mang thai. 

    Bệnh viêm gan không do virus

    Trong một số trường hợp, tế bào gan bị viêm không phải do virus tấn công. Thay vào đó, nguyên nhân gây bệnh có thể đến từ:

    Độc tố 

    Gan là nơi xử lý và loại bỏ độc tố trong cơ thể. Nồng độ chất độc quá lớn có nguy cơ ảnh hưởng cơ quan nội tạng này, lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm. Bên cạnh đó, những sản phẩm phụ từ quy trình phân giải hoạt chất tại gan đôi khi cũng sẽ mang độc tính, có thể khiến các tế bào tại đây nhiễm độc và trở thành viêm gan. 

    Uống nhiều bia rượu hoặc sử dụng thuốc (đặc biệt là thuốc giảm đau không kê đơn) quá liều là hai nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc gan và trực tiếp dẫn đến viêm. 

    Yếu tố di truyền

    Một số bệnh lý do gene đột biến di truyền qua nhiều thế hệ có nguy cơ gây tổn thương tế bào gan, lâu ngày trở thành tình trạng viêm. Bệnh Wilson, thừa sắt hoặc thiếu hụt enzyme alpha-1 antitrypsin là những ví dụ điển hình cho trường hợp này. 

    Hệ miễn dịch

    Trường hợp này còn có tên gọi khác là bệnh viêm gan tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể nhầm các tế bào gan với vật thể lạ và tấn công chúng. Nếu không được can thiệp kịp thời, sự thương tổn này sẽ phát triển thành viêm gan. 

    Đôi khi, bệnh viêm gan tự miễn cũng có thể liên quan đến một số vấn đề rối loạn tự miễn khác, ví dụ như:

    Những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến viêm gan là gì?

    Đối với nhóm viêm gan siêu vi, vì tác nhân gây bệnh là virus nên bệnh rất dễ lây truyền qua những đường sau:

    • Đường máu: sử dụng chung kim tiêm, dùng chung vật dụng cá nhân có tỷ lệ dính máu cao (bàn chải đánh răng, dao cạo râu…), hiến – nhận máu có chứa virus viêm gan…
    • Quan hệ tình dục không an toàn: quan hệ bằng miệng, hậu môn, thô bạo…
    • Mẹ bầu nhiễm virus viêm gan và truyền lại cho con

    Ngoài ra, rủi ro mắc bệnh viêm gan của bạn cũng sẽ cao hơn người khác nếu bạn đáp ứng bất kỳ yếu tố nào dưới đây:

    • Nhiễm HIV
    • Liên tục dùng thuốc giảm đau trong thời gian dài
    • Chế độ ăn uống không phù hợp an toàn vệ sinh thực phẩm
    • Thường xuyên hút thuốc lá
    • Đang tiếp nhận hóa trị hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch

    Chẩn đoán bệnh viêm gan

    Trước tiên, bác sĩ bắt đầu với việc tìm hiểu về bệnh sử của bạn nhằm kiểm tra những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh viêm gan. Sau đó, họ sẽ tiến hành kiểm tra những biểu hiện bất thường đang diễn ra, ví dụ như màu tròng trắng mắt hoặc da. 

    Nếu nghi ngờ bạn bị viêm gan, các chuyên gia sẽ yêu cầu bạn làm một số xét nghiệm để xác nhận giả thiết này, bao gồm: 

    xét nghiệm chẩn đoán

    Xét nghiệm chức năng gan

    Đây là thủ thuật y tế có khả năng nhận định hiệu quả hoạt động của gan. Xét nghiệm chức năng gan thường là các xét nghiệm máu dùng để định lượng:

    • Men gan: alanine transaminase (ALT), phosphatase kiềm (ALP), aspartate transaminase (AST), gamma-glutamyltransferase (GGT) và L-Lactate dehydrogenase (LD)
    • Bilirubin: sản phẩm sinh ra trong quá trình phá vỡ hồng cầu ở gan
    • Albumin và globulin (protein)

    Xét nghiệm máu

    Nếu kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy cơ quan nội tạng lớn nhất của bạn đang gặp vấn đề, bác sĩ sẽ tiếp tục triển khai các thủ thuật xét nghiệm máu khác nhằm tìm kiếm tác nhân gây ra viêm gan là gì. 

    Siêu âm

    Đôi khi, siêu âm khoang bụng cũng được tiến hành với mục đích hỗ trợ bác sĩ có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng hiện tại của gan và các cơ quan, bộ phận lân cận, ví dụ như: 

    • Mật độ nước trong bụng
    • Kích thước gan và sẹo gan
    • Sự hiện diện của khối u tại gan
    • Tình trạng túi mật và tuyến tuỵ

    Sinh thiết

    Khi tiến hành kỹ thuật sinh thiết, bác sĩ sẽ dùng kim lấy một mẫu mô ở gan để đem đi xét nghiệm. Dựa trên kết quả xét nghiệm, các chuyên gia có thể xác định mức độ tổn thương tại cơ quan này.

    Bên cạnh đó, sinh thiết cũng được yêu cầu khi bác sĩ nghi ngờ bạn bị ung thư gan. 

    Điều trị viêm gan

    Mỗi loại viêm gan sẽ có phác đồ điều trị riêng nhằm đem lại kết quả cuối cùng tốt nhất có thể, đồng thời đảm bảo an toàn cho người bệnh. Chúng có thể kể đến như: 

    Điều trị viêm gan A

    Hầu hết trường hợp bệnh viêm gan A không cần giải pháp điều trị đặc hiệu do cơ thể có khả năng tự đào thải chủng vi sinh vật này ra ngoài sau một thời gian ngắn, thường là vài tuần. Trong thời gian này, những điều bạn cần làm là chú trọng việc nghỉ ngơi, uống nhiều nước và cải thiện vấn đề dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng. 

    Chữa trị viêm gan B

    Tuy viêm gan B cấp tính không cần điều trị đặc hiệu, nhưng trường hợp viêm gan siêu vi  B mãn tính bắt buộc phải được chữa bằng thuốc kháng virus ngay từ đầu. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng phát triển của bệnh, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro xảy ra biến chứng.

    Một liệu trình điều trị viêm gan B có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Ngoài ra, trong suốt quá trình chữa trị, người mắc bệnh viêm gan B mãn tính còn cần được quan sát và đánh giá thường xuyên nhằm kiểm tra khả năng đáp ứng điều trị của họ. 

    Cách trị viêm gan C

    Cả hai dạng cấp và mạn tính của viêm gan siêu vi C đều cần sớm điều trị bằng thuốc kháng virus. Đặc biệt, những người bị viêm gan C mãn tính có thể phải kết hợp nhiều liệu pháp chống virus khác nhau mới có thể kiểm soát tốt bệnh trạng. 

    Ngoài ra, khi các mô sẹo bắt đầu hình thành ở gan gây suy giảm chức năng nghiêm trọng, ghép gan sẽ là giải pháp duy nhất mà người bệnh có thể lựa chọn.

    Viêm gan D điều trị như thế nào?

    Theo nghiên cứu từ năm 2013, thuốc alpha interferon có khả năng chống lại virus viêm gan D. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh đáp ứng tốt với thuốc không cao, chỉ từ 25 – 30%. Do đó, các chuyên gia vẫn cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra loại thuốc đặc hiệu dành cho chủng vi sinh vật gây bệnh này. 

    Viêm gan E có chữa được không?

    Hiện nay vẫn chưa có liệu pháp điều trị cụ thể nào để chữa viêm gan E. Tuy nhiên, vì tình trạng nhiễm trùng này thường xảy ra ở dạng cấp tính nên bạn có thể tự khắc phục bằng cách:

  • Dành thời gian thả lỏng cơ thể và nghỉ ngơi
  • Nếu bạn cảm thấy buồn nôn và mất khẩu vị, hãy chia ba bữa chính thành nhiều bữa phụ trong ngày để đảm bảo cơ thể luôn nhận đủ dưỡng chất thiết yếu
  • Không hút thuốc lá hoặc tự ý dùng thuốc điều trị để tránh tăng thêm gánh nặng công việc cho gan
  • Hạn chế quan hệ tình dục vào thời gian này
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt đừng quên rửa tay với nước sạch và xà phòng sau khi sử dụng toilet
  • Mặt khác, mẹ bầu nhiễm virus viêm gan E không nên tự ý điều trị tại nhà mà cần được bác sĩ chăm sóc và theo dõi chặt chẽ. 

    Cách chữa viêm gan tự miễn

    Theo thống kê, 80% người mắc bệnh viêm gan tự miễn đáp ứng tốt với liệu trình điều trị bằng corticosteroid (prednison, budesonide…). Ngoài ra, thuốc ức chế miễn dịch cũng thường được bác sĩ chỉ định trong trường hợp này. Chúng bao gồm:

    • Azothioprine 
    • Mycophenolate
    • Tacrolimus 
    • Cyclosporine 

    Phòng ngừa

    Phòng ngừa viêm gan hoàn toàn là điều bất khả thi. Tuy nhiên, áp dụng tốt hai quy tắc dưới đây có thể giúp bạn giảm thiểu tối đa rủi ro gặp phải vấn đề sức khỏe này.

    Cải thiện lối sống lành mạnh

    • Giữ vệ sinh sạch sẽ
    • Tập thói quen ăn chín uống sôi
    • Không dùng chung kim tiêm, dao cạo hoặc bất kỳ vật dụng cá nhân nào dễ dính máu
    • Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu
    • Đảm bảo an toàn khi quan hệ tình dục 

    Tiêm phòng bệnh viêm gan

    vắc xin

    Vắc xin là “chìa khóa” quan trọng trong việc ngăn ngừa các bệnh viêm gan siêu vi. Hiện nay đã có vắc xin viêm gan A và B. Tuy nhiên, vắc xin phòng ngừa viêm gan C và E vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu.

    Trong khi đó, bác sĩ cho rằng mọi người có thể phòng ngừa viêm gan D bằng cách chích ngừa viêm gan B. Nguyên nhân là do sự hiện diện của virus viêm gan B đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của virus viêm gan D.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 04/02/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo