backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Phương Hồ · Ngày cập nhật: 11/01/2024

    Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn thế nào?

    Ngoài các tác động trực tiếp trên cơ thể, tiểu đường còn có tác động tiêu cực đến sức khỏe thông qua ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân. Chất lượng giấc ngủ bị suy giảm sẽ làm gián đoạn việc kiểm soát đường huyết và cũng dẫn đến nhiều tác động có hại, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe người bệnh.

    Song, bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ thế nào, có gây hại gì không và có những cách nào để trị mất ngủ cho người bị tiểu đường? Theo dõi ngay bài viết dưới đây của Hello Bacsi nhé!

    Tiểu đường có gây mất ngủ không?

    Bệnh tiểu đường làm cho cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến dư thừa glucose trong máu. Nguyên tắc điều trị tiểu đường là kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu thông qua chế độ ăn uống, tập luyện và dùng thuốc.

    Người ta ước tính rằng cứ hai người mắc bệnh tiểu đường type 2 thì có một người gặp vấn đề về giấc ngủ do lượng đường trong máu không ổn định và kèm theo các triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường.

    Cả tăng đường huyết và hạ đường huyết vào ban đêm đều có thể dẫn đến mất ngủ.

    • Người bị tiểu đường lại đi tiểu nhiều vì khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ tăng hoạt động để thải đường bằng cách khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Vào ban đêm, việc thường xuyên đi vệ sinh sẽ khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Lượng đường trong máu cao cũng có thể gây đau đầu, mệt mỏi và khát nước nhiều về đêm, có thể cản trở giấc ngủ.
    • Ngược lại, nhịn ăn quá lâu hoặc dùng thuốc điều trị tiểu đường không đúng cách cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu thấp vào ban đêm. Bạn có thể gặp ác mộng, toát mồ hôi hoặc cảm thấy khó chịu làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

    Tương tự như các bệnh mãn tính khác, cảm giác lo lắng và căng thẳng về sức khỏe cũng có thể khiến bạn mất ngủ vào ban đêm.

    tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ

    Các rối loạn giấc ngủ gặp ở người bệnh đái tháo đường

    Việc nằm trằn trọc, loay hoay, trở mình liên tục trên giường có lẽ đã quá quen thuộc với những người bệnh tiểu đường. Tuy rối loạn giấc ngủ có thể là triệu chứng của tiểu đường nhưng vẫn có khả năng nguyên nhân chính lại do những căn bệnh khác hay tình trạng sức khỏe của bạn. Rối loạn giấc ngủ và các rối loạn khác ảnh hưởng đến giấc ngủ thường sẽ xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường.

    Chứng ngưng thở lúc ngủ

    Đây là một dạng rối loạn phổ biến nhất với người bị tiểu đường. Theo Healthline, ngưng thở khi ngủ sẽ xảy ra khi bạn ngừng thở liên tục và rồi hít thở trở lại suốt cả đêm. Trong một nghiên cứu năm 2009, kết quả cho thấy 86% bệnh nhân tiểu đường tham gia đều bị ngưng thở khi ngủ. Và 55% trong số đó bị rối loạn khá nặng và cần phải điều trị ngay.

    Chứng ngưng thở lúc ngủ thường sẽ xảy ra ở tiểu đường tuýp 2 nhiều hơn. Nguyên nhân là vì những người bị tuýp 2 thường dễ thừa cân, béo phì, khiến cho đường hô hấp bị đè nén chặt lại.

    Các dấu hiệu phổ biến nhất chính là mệt mỏi cả ngày và ngáy vào ban đêm. Bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng rối loạn này cao hơn khi trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc bạn đang trong tình trạng béo phì. Hãy kiểm soát cân nặng ở mức phù hợp với cơ thể, việc này sẽ giúp bạn làm dịu các triệu chứng rối loạn. Đồng thời, bạn nên mang mặt nạ chuyên dụng khi ngủ để tăng khí áp vào họng, giúp bạn dễ hít thở hơn.

    Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ: Ngưng thở khi ngủ

    Hội chứng chân không yên (RLS)

    Đặc trưng của hội chứng này là việc chân của bạn liên tục bị kích thích, khiến chúng muốn được di chuyển nhiều hơn. Dấu hiệu này thường xảy ra vào buổi tối hoặc khi cơ thể thiếu chất sắt, làm bạn khó ngủ và không thể ngủ lâu được. Những trường hợp thường dễ bị RLS bao gồm tăng đường huyết, mắc các vấn đề về thận và rối loạn tuyến giáp.

    Nếu bạn nghĩ mình đang bị hội chứng RLS, hãy đi khám và liệt kê với bác sĩ các triệu chứng của mình. Việc này cực kỳ quan trọng khi bạn có tiền sử bị thiếu máu. Thuốc lá cũng là một trong những yếu tố gây ra chứng rối loạn này, vì vậy bạn nên cai thuốc càng sớm càng tốt.

    Chứng mất ngủ

    Biểu hiện đặc trưng chính là thường gặp vấn đề khiến bạn khó ngủ hoặc không thể ngủ yên. Bạn sẽ có nguy cơ bị mất ngủ lớn hơn khi bị stress nặng cũng như lượng đường trong máu quá cao.

    Các loại thuốc ngủ không cần kê toa thực chất sẽ không chữa được chứng mất ngủ của bạn. Hãy tìm hiểu xem nguyên nhân khiến bạn mất ngủ là gì, ví dụ như công việc quá căng thẳng hay gia đình đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng. Sau đó, bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để giám định chính xác cũng như cách gỡ bỏ các yếu tố làm bạn không ngủ được.

    Giấc ngủ kém ảnh hưởng đến đường huyết như thế nào?

    Mức độ tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ

    Các nhà nghiên cứu tin rằng việc giảm chất lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu do nó ảnh hưởng đến các hormone insulin, cortisol và stress oxy hóa. Ngoài việc làm tăng lượng đường trong máu ở những người đã mắc bệnh tiểu đường, thiếu ngủ còn làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng kháng insulin ở người khỏe mạnh.

    Người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 bị rối loạn giấc ngủ hoặc thường xuyên thức giấc vào ban đêm có khuynh hướng không tuân thủ theo các tiêu chuẩn điều trị, chẳng hạn như tập thể dục đầy đủ và theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu.

    Ngoài những tác động tức thời lên lượng đường trong máu, giấc ngủ kém còn có thể gây tổn hại lâu dài cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Những người dùng thuốc ngủ hoặc khó ngủ có nhiều khả năng suy giảm sức khỏe tâm lý nghiêm trọng. Cũng có bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường không ngủ đủ giấc có thể có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn khi về già.

    Thiếu ngủ làm tăng ghrelin (hormone gây đói) và giảm leptin (loại hormone khiến chúng ta cảm thấy no). Để bù đắp cho sự thiếu hụt năng lượng, những người ngủ kém dễ ăn vặt và khiến họ có nguy cơ béo phì, một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.

    Những biện pháp trị mất ngủ cho người bệnh tiểu đường

    Hãy làm theo những cách sau đây để nghỉ ngơi và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn:

    Không sử dụng thiết bị điện tử khi chuẩn bị ngủ

    Bạn không nên dùng điện thoại hay đọc sách điện tử vào ban đêm vì ánh sáng từ các thiết bị này làm não hoạt động và khiến bạn tỉnh hơn. Thay vào đó, bạn nên đọc bằng sách giấy trước khi ngủ để thư giãn đầu óc và giúp mắt đỡ mỏi hơn.

    Tránh xa đồ uống có cồn trước khi ngủ

    Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ: Tránh xa đồ uống có cồn trước khi ngủ

    Dù cho bạn cảm thấy một ly rượu sẽ giúp cơ thể dịu lại và dễ ngủ hơn, việc uống các đồ uống có cồn sẽ làm bạn không thể ngủ sâu và đủ giấc được.

    Loại bỏ các yếu tố làm bạn xao nhãng

    Nếu bạn nhận được tin nhắn suốt đêm, hãy tắt nguồn điện thoại. Bạn cũng nên dùng đồng hồ báo thức thay cho ứng dụng điện thoại. Điều này sẽ khuyến khích bạn tắt nguồn điện thoại khi ngủ vì không còn lý do gì để cần dùng chúng nữa.

    Nghe “tiếng ồn trắng”

    Việc nghe tiếng chim ríu rít vào buổi sáng, tiếng thu gom rác, âm thanh quét dọn đường hay những người hối hả đi làm… đều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Nếu bạn hơi khó ngủ, hãy dùng những loại tiếng ồn trắng như tiếng quạt, quạt trần, quạt đứng hay quạt để bàn đều được cả, chúng sẽ loại bỏ những tiếng ồn khó chịu khác và giúp bạn ngủ ngon hơn.

    Ngủ theo kiểu có-tổ-chức

    Hãy đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày và thức dậy cũng vào một thời điểm nhất định, kể cả cuối tuần. Cơ thể sẽ tự động cài đặt lại đồng hồ sinh học, giúp bạn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và tự tỉnh táo vào đúng các thời điểm đó.

    Tiểu đường ảnh hưởng đến giấc ngủ: Dễ gây rối loạn

    Không dùng các chất kích thích vào ban đêm

    Bạn đừng dùng các thức uống có caffein, tập thể dục hay làm những công việc trong nhà vào ban đêm. Hoạt động tốn nhất mà bạn nên làm trong khoảng thời gian này chính là những bài tập yoga nhẹ nhàng để cơ thể được thư giãn và sẵn sàng đi ngủ. Nếu không, dòng máu sẽ chảy nhanh hơn khiến cơ thể mất một thời gian dài mới cân bằng lại được.

    Tổng kết

    Hãy đi khám nếu bạn cứ gặp các vấn đề về giấc ngủ. Nếu không được điều trị thích hợp hay liên tục mất ngủ, bạn sẽ không thực hiện nổi các hoạt động sinh hoạt bình thường nữa.

    Bạn nên xem xét thay đổi một số thói quen sống của mình để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Chỉ cần một thay đổi nhỏ sẽ tạo ra được một khác biệt lớn. Thông thường, chúng ta cần khoảng 3 tuần để tạo một hoạt động trở thành thói quen của mình, vậy nên hãy ráng thực hiện chúng hằng ngày nhé!

    Ngoài ra, dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong giấc ngủ. Bạn có thể tham khảo giải pháp dinh dưỡng đầy đủ và cân đối cho người đái tháo đường tại đây!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Phương Hồ · Ngày cập nhật: 11/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo