backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 06/07/2022

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

    Hiểu những điều cần biết về bệnh tiểu đường sẽ giúp bạn chủ động trong việc kiểm soát bệnh và chăm sóc sức khỏe bản thân hoặc người thân khi mắc bệnh hiệu quả hơn. 

    Bệnh tiểu đường được xem là “kẻ giết người thầm lặng” vì không có triệu chứng rõ rệt để cảnh giác. Người bệnh không biết cách kiểm soát bệnh sẽ dễ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Hello Bacsi mời bạn tìm hiểu về tiểu đường và những điều cần biết để chủ động hơn trước căn bệnh này.

    Bệnh tiểu đường là gì?

    Theo y học về bệnh tiểu đường, đây là một dạng rối loạn chuyển hóa mạn tính, ảnh hưởng đến khả năng sử dụng hoặc sản xuất insulin của cơ thể, từ đó làm tăng đường huyết. Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ dinh dưỡng, nạp năng lượng cũng như gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho các cơ quan trên cơ thể, bao gồm cả mắt, thận, hệ thần kinh và tim.

    Tiểu đường thuộc nhóm bệnh nguy hiểm

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường

    Một trong những điều cần biết về bệnh tiểu đường là mức độ nguy hiểm của bệnh. Căn bệnh này gây nhiều rủi ro sức khỏe vì các lý do sau đây.

    • Tốc độ phát triển rất nhanh: Chỉ trong vòng 10 năm, tỷ lệ bệnh tiểu đường tại Việt Nam tăng 200%. Tỷ lệ tiền tiểu đường cũng tăng từ 7,7% lên đến 14%. 1/2 dân số tại TP. Hồ Chí Minh mắc bệnh tiểu đường và tiền tiểu đường. Trong 5 – 10 năm tiếp theo, những người bị tiền tiểu đường sẽ tiếp tục phát triển thành tiểu đường tuýp 2 nếu không có biện pháp kiểm soát sớm.

    • Triệu chứng khó phát hiện: Triệu chứng bệnh tiểu đường rất khó nhận biết. Khoảng 65% người bệnh tiểu đường không biết mình bị bệnh. Con số thống kê có đến 85% chỉ phát hiện khi bệnh đã xuất hiện những biến chứng nặng nề.

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường: Cách phân loại bệnh

    Tiểu đường được chia thành 3 loại, trong đó, tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 2 cao nhất.

    1. Tiểu đường tuýp 1

    những điều cần biết về bệnh tiểu đường tuýp 1

    Tiểu đường tuýp 1 là chứng bệnh tự miễn. Thay vì tấn công các yếu tố bên ngoài, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 tự tấn công các tế bào tuyến tụy, dẫn đến sự thiếu hụt insulin, từ đó tăng lượng đường huyết. Các triệu chứng tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện khá sớm, phần lớn ở trẻ em và tuổi vị thành niên.

    Cho tới nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của tiểu đường tuýp 1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, yếu tố di truyền cũng như cách sinh hoạt có thể là “thủ phạm” chính gây tiểu đường tuýp 1. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn nếu bạn thuộc nhóm sau:

    • Mẹ hoặc anh chị em bị bệnh tiểu đường tuýp 1
    • Tiếp xúc với một số virus gây bệnh
    • Sự hiện diện của kháng thể bệnh tiểu đường
    • Thiếu vitamin D, sử dụng sữa bò hoặc sữa bột có nguồn gốc từ sữa bò sớm và ăn các loại ngũ cốc trước 4 tháng tuổi cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh
    • Các nước như Phần Lan và Thụy Điển có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 khá cao

    Hãy đọc thêm: Tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, bệnh nào nguy hiểm hơn?

    2. Tiểu đường tuýp 2

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh không phụ thuộc insulin (NIDDM). Đây cũng là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, hiện nay càng phát hiện nhiều trường hợp bệnh ở tuổi vị thành niên và thanh niên, do tỷ lệ béo phì ngày càng cao. Bạn có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà hoàn toàn không biết.

    Với những bệnh nhân tiểu đường tuýp 2, các tế bào của bạn trở nên đề kháng insulin, làm tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin. Thay vì di chuyển vào các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu của bạn.

    Không xác định được chính xác lý do, nhưng các chuyên gia tin rằng yếu tố di truyền và môi trường có liên quan đến sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2. Thừa cân hay béo phì là yếu tố nguy cơ chủ yếu cho sự phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân.

    3. Những điều cần biết về bệnh tiểu đường thai kỳ

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường thai kỳ

    Bệnh tiểu đường thai kỳ thường xảy ra trong thời gian mang thai và “lặn mất tăm” sau khi sinh. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời.

    Ngoài 3 loại tiểu đường thường gặp trên, một số loại tiểu đường hiếm gặp khác có nguyên nhân do di truyền, phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh khác.

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường: Triệu chứng bệnh

    Khi tìm hiểu về tiểu đường và những điều cần biết, bạn sẽ thấy bệnh nhân tiểu đường, dù tuýp 1, 2 hay tiểu đường thai kỳ cũng thường xuất hiện các triệu chứng sau:

    • Có cảm giác cực kỳ khát nước, hay còn được gọi là chứng khát nhiều
    • Đi tiểu nhiều lần, đôi khi đi thường xuyên mỗi giờ, còn gọi là chứng tiểu nhiều
    • Bị sụt cân (thường xuất hiện ở những ai bị tiểu đường tuýp 1)
    • Ngứa, đau hoặc tê ở tay/chân (thường xuất hiện ở những ai bị tiểu đường tuýp 2)
    • Cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường ở triệu chứng bệnh còn có thể là:

    • Mờ mắt
    • Nhiễm trùng âm đạo thường xuyên ở phụ nữ
    • Nhiễm nấm men (nhiễm nấm Candida)
    • Khô miệng
    • Chậm lành vết loét hoặc vết cắt
    • Ngứa da, đặc biệt là ở bẹn hoặc khu vực âm đạo

    Ngay khi nhận thấy những triệu chứng trên, bạn nên đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị bệnh kịp thời. Bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để kiểm tra bạn có bị tiểu đường hay không, bao gồm:

    • Xét nghiệm HbA1C
    • Xét nghiệm FPG kiểm tra lượng đường huyết lúc đói
    • Xét nghiệm OGTT, nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
    • Bạn sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm nếu nghi ngờ có dấu hiệu của bệnh tiểu đường

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường: Các biến chứng của bệnh 

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường: Các biến chứng của bệnh

    Sau 3 nguyên nhân bao gồm tim mạch, ung thư và AIDS thì tiểu đường trở thành mối hiểm họa thứ 4, bởi sự chủ quan của người bị bệnh đã dẫn đến những biến chứng hết sức nặng nề.

    Biến chứng cấp tính

    Biến chứng cấp tính xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Bệnh nhân sẽ cảm thấy cồn cào, run rẩy, vã mồ hồi, choáng váng, đánh trống ngực. Nguyên nhân gây biến chứng cấp tính có thể là do bệnh nhân dùng quá liều thuốc hạ đường huyết hoặc insulin, ăn uống kiêng khem quá mức hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, lạm dụng rượu bia, tập luyện quá sức…

    Nếu hạ đường huyết ở thể nhẹ hay trung bình, bệnh nhân có thể chỉ cần ăn cháo loãng, súp hay uống một cốc nước đường và nằm nghỉ ngơi, khi tỉnh táo lại thì cần bổ sung dưỡng chất cho cơ thể. Trường hợp hạ đường huyết nặng thì bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đi cấp cứu và tiêm tĩnh mạch dung dịch ngọt ưu trương 30%. Bệnh nhân bị tăng đường huyết quá cao có thể rơi vào tình trạng hôn mê do nhiễm toan ceton hay hội chứng tăng áp lực thẩm thấu. Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng này đòi hỏi phải theo dõi sát và điều trị kịp thời.

    Tiểu đường và những điều cần biết về biến chứng mạn tính

    Bệnh tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đường mạn tính, hậu quả là làm tăng đường huyết kéo dài và dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong.

    • Tổn thương tim mạch: là cực kỳ nguy hiểm và rất thường gặp, phổ biến nhất là gây tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não gây bại liệt hoặc tử vong. Nhiều thống kê cho thấy khoảng 80% bệnh nhân tiểu đường bị xơ vữa động mạch, tỷ lệ này chỉ chiếm 30% ở bệnh nhân không mắc tiểu đường. Hơn 75% bệnh nhân tiểu đường nhập viện vì các biến chứng tim mạch. Tổn thương động mạch vành sẽ gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, suy tim, chết đột ngột.

    Tổn thương thần kinh: cũng là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất gồm bệnh thần kinh ngoại biên và thần kinh thực vật. Tổn thương thần kinh ngoại biên thể hiện ở việc bệnh nhân giảm cảm giác, tê bì hoặc kim châm, yếu cơ. Các dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân mà cụ thể là gây loét bàn chân. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới bệnh nhân phải đoạn chi, thậm chí tử vong.

    • Tổn thương thận: do hàm lượng đường trong máu luôn cao nên gây tổn thương hàng triệu vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng lọc, bài tiết của thận và suy thận.

    • Tổn thương mắt: do những mạch máu nhỏ tại võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ trong lòng mắt dẫn đến các bệnh lý về võng mạc. Mặt khác, tiểu đường cũng có thể gây đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, gây mù lòa.

    • Bệnh nhiễm trùng: điển hình như nhiễm trùng răng miệng, lợi, nhiễm trùng da gây mụn nhọt, nấm, nhiễm trùng đường tiết niệu, sinh dục…

    Biến chứng của tiểu đường thực sự rất nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nếu kiểm soát tốt hàm lượng đường trong máu. Đặc biệt, những người mắc bệnh tiểu đường cần phải kiểm soát các bệnh phối hợp và liên quan như lipid máu tốt, huyết áp tốt để phòng tránh biến chứng và nên đi khám định kỳ cũng như tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.

    Tiểu đường và những điều cần biết về cách điều trị

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và cách điều trị

    Một trong những điều cần biết về bệnh tiểu đường là quá trình điều trị bệnh tiểu đường thường khó khăn, do 50% khả năng chữa bệnh thành công phụ thuộc vào chế độ ăn, chế độ vận động và tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Thống kê cho thấy, chỉ khoảng 30% bệnh nhân đái tháo đường đạt được mục tiêu điều trị và kiểm soát tốt đường huyết.

    Bệnh nhân tiểu đường phải duy trì một chế độ dinh dưỡng ít bột đường suốt đời. Chế độ ăn uống này khác nhau tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân và cần được bác sĩ tư vấn.

    Ngoài ăn uống lành mạnh, những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và 2 cũng cần tiêm bổ sung, hoặc uống thuốc tăng cường insulin để kiểm soát lượng đường huyết. Một số loại thuốc bác sĩ có thể kê đơn, chẳng hạn như:

    • Các loại thuốc giúp tăng việc sản sinh insulin qua tuyến tụy (chlorpropamide, glimepiride, glipizide và repaglinide)
    • Thuốc làm giảm khả năng hấp thụ đường qua ruột (acarbose và miglitol)
    • Thuốc giúp cải thiện khả năng cơ thể sử dụng insulin (pioglitazone và rosiglitazone)
    • Thuốc giảm lượng đường được sản sinh từ gan và tăng ổn định lượng insulin (metformin)
    • Thuốc tăng việc sản sinh insulin qua tuyến tụy hoặc lượng máu của cơ thể và/hoặc giảm sinh đường từ gan (albiglutide, alogliptin, dulaglutide, linagliptin, exenatide, liraglutide)
    • Thuốc ngăn quá trình tái hấp thu glucose ở thận và tăng bài tiết glucose trong nước tiểu, gọi là ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2)

    Hãy đọc thêm: Người bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì?

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường: Cách kiểm soát bệnh

    Những điều cần biết về bệnh tiểu đường để kiểm soát bệnh tốt hơn bao gồm:

    • Vận động hàng ngày, thời gian đi bộ khoảng 30 phút.

    • Khám sức khỏe hàng năm để phát hiện sớm khi mắc bệnh.

    • Duy trì chế độ ăn hợp lý, lành mạnh: Ăn vừa đủ đạm, tinh bột, hạn chế đường, mỡ, nhất là mỡ động vật, nhiều rau, quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 06/07/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo