backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Các thuốc trị hen suyễn thường được kê đơn bạn nên biết

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 24 giờ trước

Các thuốc trị hen suyễn thường được kê đơn bạn nên biết

Thuốc trị hen suyễn (hen phế quản) đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các cơn hen. Thế nhưng, bạn đã biết những loại thuốc nào thường được dùng trong điều trị bệnh hen suyễn chưa? 

Khi mắc bệnh hen suyễn, các hạt có rất nhiều trong không khí như mạt bụi, phấn hoa, khói thuốc lá… rất dễ kích ứng đường hô hấp của bạn và khiến cơn hen bùng phát. Việc phòng tránh các chất gây dị ứng không phải lúc nào cũng nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chính vì vậy, sử dụng thuốc dự phòng và điều trị hen suyễn là vô cùng thiết yếu.

Trong bài viết sau, Hello Bacsi tổng hợp và giới thiệu đến bạn 10 loại thuốc trị hen suyễn, mời bạn cùng tham khảo!

Các nhóm thuốc hen suyễn

Theo hướng dẫn của Bộ Y Tế năm 2020, thuốc điều trị hen dài hạn được chia thành 3 loại chính:

  • Thuốc kiểm soát hen: là các thuốc dùng duy trì để điều trị bệnh hen giúp làm giảm nguy cơ đợt cấp và sụt giảm chức năng hô hấp nhờ tác dụng giảm tình trạng viêm đường thở.
  • Thuốc cắt cơn hen: là các thuốc chỉ dùng để cắt cơn hen và giảm triệu chứng, khi bệnh nhân có cơn khó thở hoặc đợt cấp hen. Giảm nhu cầu hoặc không cần dùng thuốc cắt cơn hen là mục tiêu quan trọng của điều trị hen.
  • Thuốc điều trị phối hợp đối với hen nặng: đây là các thuốc được xem xét khi bệnh nhân có triệu chứng hen dai dẳng và/hoặc vẫn còn đợt cấp dù đã tối ưu hóa điều trị bằng liều cao ICS/LABA và đã phòng tránh các yếu tố nguy cơ.

Để hình dung rõ về các nhóm thuốc, hãy xem 2 khuyến cáo điều trị hen dưới đây:

Khuyến cáo điều trị ban đầu bằng thuốc kiểm soát hen cho người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi
Khuyến cáo điều trị ban đầu bằng thuốc kiểm soát hen cho người lớn và trẻ ≥ 12 tuổi
Tăng hoặc giảm bậc thuốc kiểm soát hen để kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ
Tăng hoặc giảm bậc thuốc kiểm soát hen để kiểm soát triệu chứng và giảm thiểu nguy cơ

Sau đây bài viết sẽ đi qua cụ thể các nhóm thuốc.

1. Thuốc trị hen suyễn corticosteroid dạng hít (ICS)

thuốc điều trị hen suyễn

Nhiều người thường đưa ra thắc mắc với bác sĩ rằng hen phế quản uống thuốc gì để nhanh cắt cơn. Câu trả lời là bạn có thể dùng thuốc corticosteroid dạng hít (ICS). Thuốc nhanh chóng phát huy tác dụng sau 1-5 phút. Corticosteroid dạng hít ngăn chặn tình trạng viêm đường thở, giúp cải thiện các triệu chứng hen suyễn và giảm nguy cơ lên cơn hen nặng và tử vong.

Theo các chuyên gia hô hấp, thuốc corticosteroid dạng hít là thuốc điều trị hen suyễn có tác dụng ngắn, giúp cắt giảm các cơn hen cấp tính một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể để lại tác dụng phụ nếu bạn sử dụng trong thời gian dài.

ICS là thuốc kiểm soát hen mà bệnh nhân nên bắt đầu dùng càng sớm càng tốt ngay sau khi hen được chẩn đoán. ICS phối hợp formoterol liều thấp cũng được sử dụng để cắt cơn hen khi cần.

Các hoạt chất trong nhóm gồm: Beclomethasone dipropionate, Budesonide, Fluticasone furoate, Fluticasone propionate, Mometasone furoate, Triamcinolone acetonide.

2. Thuốc hen suyễn kháng Leukotriene (LTRA)

Thuốc kháng Leukotriene là một thuốc chống dị ứng, giúp điều trị bệnh hen suyễn bằng cách ức chế những hóa chất gây viêm tiết ra bởi hệ miễn dịch. LTRA là thuốc kiểm soát cơn hen, không được dùng để cắt cơn. Hoạt chất: Montelukast, Zafirlukast, Zileuton.

Ưu điểm của loại thuốc này là ít gây ra tác dụng phụ.

Ở những bệnh nhân hen suyễn mức độ trung bình không được kiểm soát hoàn toàn bằng ICS liều trung bình, việc bổ sung LTRA được chỉ định thay thế cho việc tăng liều ICS hoặc bổ sung LABA dạng hít.

3. Thuốc trị hen phế quản tác dụng ngắn SABA (Short-Acting Beta 2 Agonist)

thuốc trị hen suyễn

SABA là thuốc gì? Thuốc SABA (Short-Acting Beta 2 Agonist) là thuốc chủ vận beta 2 tác dụng ngắn, là nhóm thuốc trị hen phế quản có tác dụng nhanh, giúp kiểm soát được các triệu chứng của bệnh hen suyễn chỉ trong vòng vài phút. Do đó được dùng để cắt cơn hen. Thuốc cũng có thể sử dụng từ 15 đến 20 phút trước khi tập thể dục để ngăn ngừa các triệu chứng hen suyễn phát sinh do hoạt động thể chất.

Những loại SABAs thường gặp là Salbutamol, Terbutalin và Fenoterol.

4. Thuốc hen suyễn tác dụng dài LABA (Long-acting beta agonists)

Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài được dùng để kiểm soát cơn hen tuy nhiên nó không được dùng đơn độc mà luôn được sử dụng cùng với ICS. Thuốc này làm giãn các cơ bị co thắt trong đường thở trong thời gian dài, lên đến 12 giờ và có thể giúp kiểm soát các triệu chứng vào ban đêm hoặc khi tập thể dục. Ngoài ra, bạn nên lưu ý là tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng, cách dùng và ngưng dùng thuốc ngay sau khi đã kiểm soát được cơn hen.

Những loại LABAs thường gặp là SalmeterolFormoterol.

Một số loại thuốc kiểm soát hen hiện có trên thị trường Việt Nam:
– Formoterol/budesonide 4,5/160 mcg; 4,5/80 mcg; dạng DPI
– Formoterol/budesonide 4,5/160 mcg; 4,5/80 mcg; 2,25/80 dạng pMDI
– Salmeterol/fluticasone propionate 25/50; 25/125; 25/250 mcg dạng pMDI
– Salmeterol/fluticasone propionate 50/100; 50/250; 50/500 mcg dạng DPI
– Fluticasone propionate 125 mcg dạng pMDI
– Fluticasone propionate 0,5 mg/2 ml dạng phun khí dung
– Budesonide 0,5 mg/2 ml và 0,5 mg/ml dạng phun khí dung
*Bình hít bột khô (DPI – Dry Powder Inhalers), Bình xịt định liều (pMDI – Pressured Metered Dose Inhaler)

5. Corticoid đường uống (OCS)

Corticosteroid đường uống được kê đơn để điều trị các cơn hen phế quản không đáp ứng với các loại thuốc trị hen suyễn khác. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng phải luôn được theo dõi cẩn thận bởi bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn một đợt OCS trong vài ngày. Rất ít bệnh nhân phải dùng OCS hàng ngày lâu dài để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn.

Corticosteroid đường uống gây ra nhiều tác dụng phụ. Tác dụng phụ ngắn hạn gồm tăng nhãn áp, giữ nước, huyết áp cao, tăng cân, thay đổi tâm trạng, vấn đề về trí nhớ và hành vi. Tác dụng phụ dài hạn gồm: Đục thủy tinh thể, tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương, tăng lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường, da mỏng, bầm tím, quá trình chữa lành vết thương chậm hơn.

Bạn có thể quan tâm:

6. Thuốc trị hen suyễn kháng cholinergic

Tiotropium, Ipratropium thuộc nhóm thuốc gọi là thuốc giãn phế quản kháng cholinergic. Nó hoạt động bằng cách làm giãn cơ trơn phế quản và mở rộng đường thở, từ đó giúp người bệnh dễ thở hơn. Thuốc này được sử dụng để ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh hen suyễn, chẳng hạn như ho, thở khò khè và cảm thấy khó thở.

Thuốc kháng cholinergic dùng để điều trị cộng thêm với ICS/LABA trong kiểm soát hen nặng. Tiotropium là thuốc có tác dụng kéo dài, bắt đầu cảm thấy dễ thở hơn sau khi sử dụng trong 3 đến 7 ngày. Bạn cần sử dụng nó hàng ngày để nó phát huy tác dụng, ngay cả khi bạn không có triệu chứng.

Theo các chuyên gia sức khỏe, thông thường nhóm kháng cholinergic được sử dụng ở dạng hít (thuốc hít giãn phế quản). Tuy nhiên, một số trường hợp khẩn cấp, nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh sử dụng dạng phun khí dung.

Khuyến cáo thận trọng khi dùng nhóm thuốc kháng cholinergic ở các đối tượng:

  • Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính.
  • Tắc nghẽn dòng chảy bàng quang như sỏi bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt.

Tác dụng phụ của thuốc trị hen này có thể là gây giãn đồng tử, mờ mắt và khô miệng.

thuốc trị hen suyễn - tiotropium

7. Thuốc ổn định tế bào mast

Cromolyn natrinedocromil natri là chất ổn định tế bào mast được sử dụng để kiểm soát tình trạng viêm trong bệnh hen suyễn và ngăn ngừa co thắt phế quản do tập thể dục. Những tác nhân này ức chế sự thoái hóa của tế bào mast, ngăn cản sự giải phóng các chất trung gian gây viêm.

Hai thuốc này tương đương với steroid dạng hít liều thấp ở những bệnh nhân hen suyễn nhẹ đến trung bình nhưng không hiệu quả bằng steroid dạng hít liều trung bình đến cao. Do đó, chúng chỉ được chỉ định sử dụng dưới dạng đơn trị liệu cho những người mắc bệnh hen suyễn nhẹ dai dẳng.

Chất ổn định tế bào mast có ít tác dụng phụ (xảy ra ở 1 trong 10.000 bệnh nhân). Vì thế, chúng được khuyến cáo là thuốc đầu tay ở trẻ em bị hen suyễn nhẹ dai dẳng, đặc biệt là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, việc tuân thủ có thể khó khăn vì cả hai loại thuốc này đều được dùng 2 đến 4 lần một ngày. Nedocromil có vị đắng có thể giảm bớt khi sử dụng buồng đệm MDI.

8. Thuốc trị hen suyễn nặng Omalizumab kháng IgE

Omalizumab có tác dụng gắn kết với globulin miễn dịch E (IgE), làm giảm lượng IgE tự do gây kích hoạt các quá trình viêm dị ứng. Omalizumab là lựa chọn bổ sung để điều trị hen suyễn ở những bệnh nhân hen dị ứng khó điều trị từ trung bình đến nặng, bệnh được kiểm soát kém bằng các liệu pháp thông thường, gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng thứ phát sau khi điều trị bằng corticosteroid liều cao hoặc kéo dài, thường xuyên có các cơn kịch phát và/hoặc có nguy cơ nhập viện cao.

Nhược điểm là thuốc điều trị hen phế quản Omalizumab có giá thành khá đắt.

9. Thuốc kháng interleukin IL5, thuốc kháng thụ thể IL5, IL4

Thuốc kháng interleukin IL5, thuốc kháng thụ thể IL5 (IL-5R) hiện đã chính thức được đưa vào hướng dẫn GINA 2019 dưới dạng thuốc kiểm soát bổ sung cho bệnh hen suyễn nặng và khó điều trị. Thuốc này được phê duyệt trên những bệnh nhân bị hen suyễn tăng bạch cầu ái toan nặng – được định nghĩa thực tế là những bệnh nhân cần điều trị bằng corticosteroid đường uống thường xuyên hoặc liên tục hoặc những bệnh nhân không kiểm soát được hen suyễn đầy đủ mặc dù đã dùng ICS liều tối đa. Hiện có ba loại thuốc điều trị kháng IL-5 được FDA phê chuẩn trên thị trường: benralizumab, mepolizumab và reslizumab.

Thuốc kháng IL4R được phê duyệt dành cho bệnh hen suyễn tăng bạch cầu ái toan/loại 2 nặng hoặc dùng OCS duy trì. Dupilumab là một thuốc kháng IL4R có hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ và triệu chứng trầm trọng, đồng thời cải thiện chức năng phổi và chất lượng cuộc sống ở bệnh hen suyễn từ trung bình đến nặng.

10. Kháng thể đơn dòng anti-TSLP – Thuốc điều trị hen suyễn mới

Lymphopoietin mô đệm tuyến ức (TSLP) là một cytokine (một loại protein của hệ thống miễn dịch) có liên quan đến bệnh hen suyễn và các bệnh dị ứng khác. TSLP tăng lên trong đường thở của bệnh nhân hen suyễn, tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngăn chặn TSLP có thể ngăn chặn việc giải phóng các cytokine gây viêm, dẫn đến việc ngăn ngừa các đợt cấp của bệnh hen suyễn và cải thiện việc kiểm soát bệnh hen suyễn.

Tezspire là thuốc sinh học mới, hoạt động nhắm mục tiêu vào TSLP. GINA 2022 cập nhật kháng thể đơn dòng anti-TSLP là thuốc cho bệnh hen suyễn nặng, thuốc làm giảm liên tục và đáng kể các đợt cấp của bệnh hen suyễn.

Thuốc điều trị hen suyễn khác

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch thường được áp dụng để dự phòng các phản ứng dị ứng với các chất hóa học dễ gây kích ứng thường gặp. Liệu pháp miễn dịch hiện nay có 2 dạng tiêm và viêm ngậm dưới lưỡi.

Trước khi áp dụng liệu pháp này, bạn cần nhận diện được các chất nào gây dị ứng. Sau đó, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc có chứa một lượng nhỏ chất gây dị ứng đó mỗi tuần một lần. Trong 4 – 6 tháng tiếp theo, liều lượng tiêm sẽ là 3–4 tuần một lần. Dần dần, cơ thể sẽ tự sản sinh ra kháng thể chống lại các tác nhân gây dị ứng đó. Nhưng vì lượng kháng thể mỗi lần là nhỏ nên không gây triệu chứng hen như khi bạn tiếp xúc với một lượng lớn tác nhân dị ứng. Để đạt hiệu quả điều trị, bạn có thể phải mất đến vài năm.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt 3 loại viên nén ngậm dưới lưỡi mà bạn có thể sử dụng tại nhà, đó là Grastek, Oralair và Ragwitek. Mục đích của việc dùng thuốc là giúp tăng cường khả năng chịu đựng của người bệnh đối với các tác nhân gây dị ứng.

Tuy nhiên, những loại thuốc này cần được sử dụng một cách thận trọng bởi chúng được cảnh báo về nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng. Do đó, không nên dùng thuốc cho người hen suyễn nặng, hoặc hen kiểm soát kém, hoặc có mắc kèm các bệnh tim mạch nghiêm trọng.

thuốc trị hen suyễn - liệu pháp miễn dịch đặc hiệu

Thuốc kháng histamine

Loại thuốc này giúp ức chế chất sinh học histamine trong cơ thể – một nhân tố quan trọng gây ra các phản ứng dị ứng. Vì vậy, nó có tác dụng trong việc kiểm soát hen suyễn nhờ ngăn chặn phản ứng dị ứng của cơ thể khi gặp các tác nhân kích hoạt cơn hen như phấn hoa, bụi, khói thuốc,… Khi người bệnh hen suyễn theo mùa nhẹ đồng mắc viêm mũi dị ứng, việc giảm các triệu chứng viêm mũi bằng thuốc đối kháng H1 dùng ở liều thông thường cho thấy cải thiện đáng kể các triệu chứng hen suyễn.

Việc sử dụng nhóm kháng histamin H1 thế hệ 1 bị hạn chế bởi tác dụng phụ an thần và suy giảm nhận thức. Hiệu quả của nhóm kháng histamin H1 thế hệ 2 trên bệnh hen suyễn chưa rõ ràng. Vì vậy nó không được đơn trị liệu mà thường kết hợp với các thuốc khác. Khi dùng thuốc kháng histamine kết hợp với Singulair hoặc các loại thuốc corticosteroid dạng hít có thể giúp bạn hạn chế tình trạng viêm mũiviêm phổi.

Thuốc hen phế quản: Thuốc Theophylline

Theophylline là một loại thuốc giúp giãn phế quản, có tác dụng ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng của hen suyễn như thở khò khè, tức ngực, đặc biệt là chứng ho về đêm.

Tuy nhiên, nếu dùng thuốc quá liều, bạn có thể xuất hiện những tác dụng phụ như tiêu chảy hoặc các vấn đề về thần kinh. Do đó, bạn nên dùng thuốc với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

Magie sulfate

Đối với những trường hợp hen suyễn nghiêm trọng, các liệu pháp điều trị thông thường đôi khi sẽ không hiệu quả. Khi đó, bác sĩ sẽ kê cho bạn sử dụng thuốc trị hen suyễn có chứa magie sulfate để kịp thời cắt giảm các cơn hen cấp tính.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêm magie sulfate vào tĩnh mạch sẽ giúp giãn các cơ bị co thắt xung quanh khí quản và phế quản, giúp bạn dễ thở hơn. Ngoài ra, loại thuốc hen này còn giúp giảm tình trạng sưng viêm bên trong đường dẫn khí.

Nếu các loại thuốc làm giãn phế quản hay corticosteroid không phát huy tác dụng thì bác sĩ có thể cho bạn dùng magie sulfate trong thời gian ngắn. Thông thường, các cơn hen nhẹ đến trung bình không cần dùng đến magie sulfate, bởi lợi ích không cao hơn nguy cơ.

Vitamin D

Vitamin D có mối liên hệ với bệnh hen suyễn. Nồng độ Vitamin D cao có liên quan đến việc giảm phản ứng đường thở và giảm các dấu hiệu viêm. Hàm lượng vitamin D thấp có thể liên quan đến hen suyễn kiểm soát kém và mức độ trầm trọng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, bổ sung Vitamin D ở người bệnh hen với nồng độ 25(OH)D cơ bản < 25 nmol/L giúp giảm tỷ lệ đợt hen cấp đòi hỏi điều trị với OCS.

Hen suyễn là bệnh lý phức tạp cần phối hợp điều trị chặt chẽ giữa người bệnh và nhân viên y tế. Có 3 nhóm thuốc điều trị hen suyễn chính, ngoài ra còn nhiều nhóm thuốc khác bổ sung cho liệu pháp điều trị. Bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo, không thay thế ý kiến của bác sĩ. Bạn hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để điều trị hen suyễn an toàn, hiệu quả.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 24 giờ trước

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo