backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Xét nghiệm glucose sau ăn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích · Khoa nội tiết · Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 18/08/2023

Xét nghiệm glucose sau ăn

Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường (tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 hay cả tiểu đường thai kỳ), bạn thường được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm glucose sau ăn. Vậy, xét nghiệm glucose là gì, quy trình thực hiện và cách đọc kết quả ra sao? Cùng Hello Bacsi tìm hiểu cụ thể trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm glucose sau ăn là gì?

Xét nghiệm glucose là gì? Xét nghiệm glucose sau ăn là một xét nghiệm để xác định lượng glucose (đường) trong huyết tương (máu) sau bữa ăn có chứa một lượng carbohydrate nhất định. Xét nghiệm dùng để kiểm tra bệnh tiểu đường và thường có một số tên khác như xét nghiệm đường huyết sau ăn, xét nghiệm glucose hai giờ sau khi ăn. Xét nghiệm này được thực hiện để xem cơ thể bạn phản ứng như thế nào với lượng bột đường sau khi ăn.

Khi tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, nồng độ glucose huyết thanh hay đường huyết sẽ tăng mạnh. Để đáp ứng với tình trạng này, tuyến tụy sẽ giải phóng insulin để chuyển đường từ máu vào trong các tế bào của cơ và các mô khác. Trong vòng 2 giờ sau ăn, nồng độ insulin và glucose trong máu sẽ trở lại bình thường. Nếu nồng độ glucose trong máu vẫn ở mức cao, bạn có thể đã mắc bệnh tiểu đường.

Nếu bị tiểu đường, cơ thể sẽ không sản xuất đủ insulin để kiểm soát giữ lượng đường trong máu. Điều này có nghĩa là lượng đường trong máu quá cao và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng biến chứng lên các cơ quan như não, tim, thận, mắt, thần kinh.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm?

Xét nghiệm glucose sau ăn là gì

Bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm này để xem liệu bạn có bệnh tiểu đường hay không, đặc biệt là nếu bạn có các triệu chứng như:

  • Đi tiểu thường xuyên
  • Khát nước bất thường
  • Mắt mờ
  • Mệt mỏi
  • Nhiễm trùng lặp đi lặp lại
  • Các vết loét chậm lành hơn bình thường.

Nếu đang mang thai, bạn có thể làm xét nghiệm này để tầm soát bệnh tiểu đường thai kỳ. Đó là bệnh tiểu đường xuất hiện trong thời kỳ mang thai. Điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ có thể giúp giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe cho bạn và em bé.

Thận trọng/Cảnh báo

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?

Bạn nên biết rằng insulin hỗ trợ cơ thể chuyển glucose từ máu vào mô và các tế bào mỡ. Khi bình thường, nồng độ glucose trong máu trở lại bình thường trong vòng 2 giờ sau ăn.

Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh tiểu đường, tuyến tụy sẽ không thể sản xuất đủ lượng insulin thích hợp hoặc có thể có các tế bào ngăn chặn insulin chuyển hóa glucose. Trong trường hợp này, nồng độ glucose vẫn sẽ cao sau khi ăn 2 giờ.

Bạn nên lưu ý rằng kết quả xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dưới đây:

  • Hút thuốc lá trong đợt xét nghiệm
  • Đang căng thẳng cực độ
  • Ăn nhẹ hoặc ăn kẹo sau bữa ăn và trước khi xét nghiệm
  • Không thể ăn toàn bộ bữa ăn
  • Tập thể dục trước khi làm nghiệm.

Vì vậy, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả của xét nghiệm.

Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm các xét nghiệm khác để xác định liệu bạn có bị bệnh tiểu đường hay không. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm glucose máu lúc đói: giúp đo lượng đường trong máu.
  • Xét nghiệm HbA1c (hemoglobin đã glucose hóa): giúp đo nồng độ đường huyết trung bình kéo dài trong 2−3 tháng.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: giúp đo khả năng sử dụng đường của cơ thể sau khi uống một lượng tiêu chuẩn thức uống có đường.

Quy trình

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?

Uống nhiều nước lọc giúp ngăn ngừa bệnh tật

Bạn phải nhịn ăn trong vòng 12 giờ trước khi xét nghiệm và sẽ được cho uống một thức uống ngọt chứa 75g glucose. Sau đó, bạn không nên ăn bất cứ thứ gì trước khi làm xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện 2 giờ sau khi uống glucose.

Bạn nên nghỉ ngơi trong thời gian chờ đợi khoảng 2 giờ, tránh tập thể dục vì có thể gây tăng nồng độ glucose trong máu.

Hãy nói cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược, vitamin và các loại thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng. Điều này bao gồm cả các loại thuốc không kê đơn và bất kỳ loại thuốc bất hợp pháp nào mà bạn có thể đang sử dụng.

Quy trình thực hiện xét nghiệm diễn ra như thế nào?

Sau 2 giờ, bạn sẽ tiến hành làm xét nghiệm máu. Lúc này, bác sĩ hoặc y tá sẽ:

  • Quấn một garô xung quanh cánh tay bạn để ngăn chặn dòng chảy của máu. Làm như vậy sẽ khiến các tĩnh mạch phía dưới băng lớn hơn và dễ đâm kim vào tĩnh mạch.
  • Sát trùng nơi kim đâm bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Đâm kim vào tĩnh mạch ở mức 10−30 độ.
  • Đặt ống hút vào lỗ hút của kim và hút đầy ống máu.
  • Tháo garô từ cánh tay ra khi ống hút gần đầy.
  • Dùng một miếng bông đè lên chỗ lấy kim ra.
  • Đè vào nơi tiêm và sau đó băng lại.
  • Kết quả thường có trong 1−2 giờ. Nồng độ glucose trong mẫu máu lấy từ tĩnh mạch (giá trị huyết thanh) có thể khác một chút so với nồng độ glucose kiểm tra ở đầu ngón tay.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm glucose sau ăn?

Lấy mẫu máu bằng kim có thể làm cho bạn bị chảy máu, nhiễm trùng, bầm tím hoặc cảm thấy chóng mặt. Khi kim chích vào cánh tay, bạn có thể cảm thấy một cảm giác châm chích nhẹ hoặc đau. Sau đó, nơi tiêm có thể bị đau và bầm nhẹ.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về xét nghiệm glucose sau ăn, vui lòng hỏi bác sĩ để hiểu rõ hơn các chỉ dẫn.

Kết quả

Kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose đường uống

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, ví dụ như phương pháp được sử dụng để làm xét nghiệm. Thậm chí, nếu kết quả xét nghiệm khác giá trị bình thường, bạn cũng có thể không có vấn đề gì. Để biết các kết quả xét nghiệm có ý nghĩa gì, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ.

Kết quả xét nghiệm khác nhau tùy thuộc vào bạn có mắc bệnh tiểu đường hay không.

  • Đối với phần lớn những người khỏe mạnh, lượng đường trong máu bình thường có thể lên đến 7,8 mmol/L (140 mg/dL) 2 giờ sau khi ăn.
  • Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, mục tiêu lượng đường trong máu sau ăn là dưới 10 mmol/L.

Ngoài ra, kết quả cũng có thể dựa trên các tiêu chuẩn dùng để chẩn đoán bệnh tiểu đường, cụ thể là:

  • Bình thường: dưới 7,8 mmol/l (140 mg/dl)
  • Tiền tiểu đường: từ 7,8 đến 11 mmol/l (140 đến 200 mg/dl)
  • Bệnh tiểu đường: từ 11,1 mmol/l (200 mg/dl) trở lên.

Nếu nồng độ glucose máu của bạn vẫn cao sau khi ăn 2 giờ hoặc rất cao sau khi xét nghiệm dung nạp glucose trong tiểu đường thai kỳ, bạn nên đến gặp bác sĩ nội tiết sớm hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 18/08/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo