backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Xét nghiệm glucose nước tiểu

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích · Khoa nội tiết · Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 29/05/2023

Xét nghiệm glucose nước tiểu

Xét nghiệm glucose nước tiểu được thực hiện nhằm mục đích gì? Quy  trình diễn ra và cách đọc kết quả ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!

Tìm hiểu chung

Xét nghiệm glucose nước tiểu là gì?

Xét nghiệm glucose nước tiểu (Glucose urine test) là cách nhanh chóng và đơn giản để kiểm tra nồng độ cao bất thường của chỉ số glucose trong nước tiểu. Glucose là một loại đường cơ thể cần và sử dụng để tạo năng lượng. Cơ thể chuyển đổi các carbohydrate bạn ăn thành glucose. Có quá nhiều glucose trong cơ thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Nếu bạn không được điều trị và glucose vẫn ở mức cao, bạn có thể hình thành các biến chứng nghiêm trọng.

Nguyên nhân phổ biến nhất của nồng độ glucose cao là bệnh tiểu đường, một bệnh ảnh hưởng tới khả năng của cơ thể trong kiểm soát nồng độ glucose. Điều quan trọng là phải theo dõi nồng độ glucose trong nước tiểu nếu bạn đã được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường hoặc nếu có triệu chứng tiểu đường. Những triệu chứng này bao gồm khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, sụt cân, nhìn mờ và mệt mỏi. Khi không được điều trị, bệnh tiểu đường có thể dẫn đến những biến chứng lâu dài bao gồm cả suy thận, bệnh tim, xơ vữa mạch máu và tổn thương thần kinh.

Xét nghiệm này liên quan đến việc lấy một mẫu nước tiểu. Sau khi bạn cung cấp mẫu nước tiểu, kỹ thuật viên sẽ cho một que nhúng vào để đo mức glucose. Que nhúng sẽ thay đổi màu sắc tùy thuộc vào định lượng glucose trong nước tiểu của bạn. Nếu bạn có chỉ số glucose nước tiểu trung bình hoặc cao, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm thêm để xác định nguyên nhân bên dưới.

Khi nào bạn nên thực hiện xét nghiệm này?

xét nghiệm nước tiểu 24 giờ

Xét nghiệm glucose nước tiểu thường được thực hiện để kiểm tra bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng xét nghiệm glucose nước tiểu như một cách để theo dõi nồng độ kiểm soát glucose hoặc hiệu quả của phương pháp điều trị. Xét nghiệm nước tiểu từng là loại xét nghiệm chính dùng để đo mức glucose ở những người có bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bây giờ chúng ít phổ biến hơn vì xét nghiệm máu đã trở nên chính xác và dễ sử dụng hơn.

Trong một số trường hợp, xét nghiệm glucose trong nước tiểu cũng có thể được thực hiện để kiểm tra các vấn đề về thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thận trọng

Bạn nên biết những gì trước khi thực hiện xét nghiệm?

insulin

Bạn nên biết rằng insulin hỗ trợ cơ thể chuyển glucose từ máu vào mô và các tế bào mỡ, nơi nó có thể dự trữ năng lượng. Khi bình thường, nồng độ glucose trong máu trở lại bình thường trong vòng 2 giờ sau ăn.

Tuy nhiên, ở những người bị bệnh tiểu đường, tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin thích hợp hoặc có thể các tế bào ngăn chặn insulin chuyển hóa glucose. Trong trường hợp này, nồng độ glucose vẫn sẽ cao 2 giờ sau khi ăn.

Đáng chú ý là kết quả của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dưới đây:

  • Hút thuốc lá trong đợt xét nghiệm
  • Đang căng thẳng cực độ
  • Ăn nhẹ hoặc kẹo sau bữa ăn và trước khi xét nghiệm.

Vì vậy, bạn phải đảm bảo rằng mình không trải qua những tình trạng này để đảm bảo kết quả chính xác.

Quy trình

Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm glucose nước tiểu?

viên thuốc trắng

Điều quan trọng là bạn nên báo cho bác sĩ biết về bất cứ loại thuốc theo toa, không theo toa hoặc thuốc bổ sung mà bạn đang dùng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của bạn. Tuy nhiên, bạn không nên ngừng dùng thuốc trừ khi bác sĩ cho biết bạn phải làm như vậy.

Quy trình thực hiện xét nghiệm glucose nước tiểu như thế nào?

Xét nghiệm glucose nước tiểu sẽ được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ hoặc tại một phòng xét nghiệm chẩn đoán.

Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ đưa cho bạn một ly nhựa có nắp và yêu cầu bạn cung cấp một mẫu nước tiểu.

Khi vào phòng tắm, bạn rửa tay và dùng giấy ẩm để làm sạch khu vực xung quanh bộ phận sinh dục.

Bạn nên bỏ đi 1 ít nước tiểu đầu dòng. Sau đó, bạn đặt ly nhựa hứng dưới dòng nước tiểu, cẩn thận đậy nắp ly lại, đảm bảo không chạm vào bên trong ly.

Bạn sẽ đưa mẫu cho chuyên viên y tế. Sau đó, họ sẽ dùng dụng cụ que nhúng để đo nồng độ glucose.

Xét nghiệm que nhúng thường được thực hiện ngay, vì vậy bạn có thể nhận được kết quả chỉ trong vài phút.

Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm glucose nước tiểu?

Người ta tin rằng không có bất kỳ rủi ro nguy hiểm nào khi thực hiện xét nghiệm này. Sau khi hoàn thành xét nghiệm, bạn nên đợi kết quả và đưa nó cho bác sĩ.

Hướng dẫn đọc kết quả

Kết quả xét nghiệm của bạn có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm rối loạn dung nạp glucose đường uống

Nồng độ glucose trong nước tiểu bình thường là 0-0,8 mmol/l (millimol mỗi lít). Nồng độ cao hơn có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của nồng độ glucose cao. Bác sĩ sẽ thực hiện một xét nghiệm máu đơn giản để xác định chẩn đoán.

Trong một số trường hợp, chỉ số glucose trong nước tiểu cao có thể là do mang thai. Phụ nữ mang thai có nồng độ glucose nước tiểu cao hơn so với những phụ nữ không mang thai. Những người phụ nữ đã có glucose trong nước tiểu cao nên được kiểm tra cẩn thận bệnh tiểu đường thai kỳ nếu mang thai.

Nồng độ glucose trong nước tiểu cao cũng có thể là kết quả của tiểu đường do thận. Đây là một tình trạng hiếm gặp trong đó thận giải phóng glucose vào trong nước tiểu. Tiểu đường do thận có thể gây ra nồng độ glucose trong nước tiểu cao ngay cả khi nồng độ glucose trong máu là bình thường.

Nếu kết quả xét nghiệm glucose nước tiểu không bình thường, xét nghiệm thêm sẽ được thực hiện cho đến khi nguyên nhân được xác định. Trong thời gian này, điều đặc biệt quan trọng là bạn thành thật với bác sĩ. Hãy chắc chắn rằng bác sĩ có danh sách của tất cả các thuốc kê toa hoặc không kê toa mà bạn đang dùng. Một số thuốc có thể ảnh hưởng đến nồng độ glucose trong máu và nước tiểu. Bạn cũng nên nói với bác sĩ nếu đang trong tình trạng rất căng thẳng, vì điều này cũng có thể làm tăng nồng độ glucose.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Hà Thị Ngọc Bích

Khoa nội tiết · Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 29/05/2023

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo