backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm màng phổi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 25/03/2022

Viêm màng phổi

Tìm hiểu chung

Viêm màng phổi là gì?

Viêm màng phổi là tình trạng viêm xuất hiện ở màng phổi. Bệnh viêm màng phổi gây đau ngực và cơn đau sẽ tăng lên khi bạn hít thở.

Màng phổi là hai lớp mô mỏng bảo vệ phổi, nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa hai lớp màng là dịch màng phổi có tác dụng bôi trơn hai lớp màng, để chúng có thể trượt dễ dàng lên nhau, cho phép phổi của bạn nở ra và co lại khi bạn thở.

Khi màng phổi bị viêm, các mô này sưng lên và bị viêm. Kết quả là hai lớp màng phổi không thể trượt lên nhau dễ dàng, chúng cọ xát vào nhau như hai mảnh giấy nhám, tạo ra cảm giác đau khi bạn hít vào và thở ra, cảm giác tăng khi bạn ho hoặc hắt hơi.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng phổi là gì?

triệu chứng viêm màng phổi

Các triệu chứng viêm màng phổi phổ biến là:

  • Đau ngực nặng hơn khi bạn thở, ho hoặc hắt hơi
  • Khó thở
  • Ho, sốt – chỉ trong một số trường hợp
  • Đau ngực – cơn đau thường xuất hiện ở phía trước hoặc phía sau của lồng ngực, đôi khi bạn có thể có đau lưng hay đau vai.

Viêm màng phổi có thể đi kèm với tràn dịch màng phổi, xẹp phổi hoặc phù nề:

  • Tràn dịch màng phổi. Trong một số trường hợp viêm màng phổi, chất lỏng tích tụ trong không gian nhỏ giữa hai lớp mô. Đây được gọi là tràn dịch màng phổi. Khi có một lượng dịch tương đối, cơn đau màng phổi sẽ giảm bớt hoặc biến mất do hai lớp màng phổi không còn tiếp xúc và không cọ xát với nhau.
  • Xẹp phổi. Một lượng lớn chất lỏng trong khoang màng phổi có thể tạo ra áp lực, nén phổi của bạn đến mức xẹp một phần hoặc hoàn toàn (xẹp phổi). Điều này gây khó thở và có thể gây ho.
  • Phù nề. Chất lỏng thừa cũng có thể bị nhiễm trùng, dẫn đến tích tụ mủ. Đây được gọi là chứng phù thũng. Phù thũng thường đi kèm với sốt.

Bạn có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Gọi cho bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau ngực dữ dội, không rõ nguyên nhân trong khi thở. Bạn có thể có vấn đề với phổi, tim hoặc màng phổi hoặc một căn bệnh tiềm ẩn mà bạn cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Nếu bạn bị ho, ớn lạnh và sốt cao đồng thời ho có đờm màu vàng hoặc màu xanh lá cây, có khả năng bạn bị viêm phổi.
  • Nếu tay hoặc chân của bạn bị phù, có thể bạn bị huyết khối tĩnh mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nguyên nhân

Những nguyên nhân nào gây bệnh viêm màng phổi?

Một loạt các tình trạng tiềm ẩn có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng phổi, bao gồm:

  • Nhiễm virus, chẳng hạn như bệnh cúm (cúm)
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phổi
  • Nhiễm nấm
  • Rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus
  • Ung thư phổi ở gần bề mặt màng phổi
  • Thuyên tắc phổi
  • Bệnh lao
  • Gãy xương sườn hoặc chấn thương
  • Một số bệnh di truyền, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm
  • Một số loại thuốc.

nguyên nhân gây viêm màng phổi

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm màng phổi?

Viêm màng phổi có thể ảnh hưởng đến những người mắc một số bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn dịch. Viêm màng phổi xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nó phát triển thường xuyên nhất ở những người trên 65 tuổi. Những người này có nhiều khả năng bị nhiễm trùng ngực.

Những bệnh nhân có bệnh về hệ hô hấp có nguy cơ cao bị viêm màng phổi. Ngoài ra, nguy cơ xuất hiện các biến chứng của viêm màng phổi cũng sẽ tăng theo độ tuổi và sự hiện diện của các bệnh nội khoa khác như tiểu đường, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng, bệnh tim và các bệnh collagen mạch máu.

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm màng phổi?

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về tiền sử bệnh của bạn và khám sức khỏe, bao gồm kiểm tra ngực bằng ống nghe.

Để xác định xem bạn có bị viêm màng phổi hay không và xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng hay không. Các xét nghiệm máu khác cũng có thể phát hiện rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, trong đó dấu hiệu ban đầu có thể là viêm màng phổi.
  • Chụp X-quang. Chụp X-quang có thể cho biết lớp dịch giữa hai khoang màng phổi có tăng lên hay không.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là xét nghiệm hiển thị hình ảnh phổi của bạn dưới dạng nhiều lát cắt khác nhau, từ đó cho hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang. Những hình ảnh chi tiết này có thể cho thấy tình trạng của màng phổi và nếu có các nguyên nhân gây đau khác, chẳng hạn như cục máu đông trong phổi.
  • Siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh chính xác của cấu trúc bên trong cơ thể của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để xác định xem có tràn dịch màng phổi không.
  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Bác sĩ có thể kiểm tra theo dõi nhịp tim để loại trừ các vấn đề về tim mạch nào đó có thể gây ra đau ngực.
  • Sinh thiết. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô phổi nhỏ để xác định xem có bị ung thư hoặc bệnh lao hay không.
  • Chọc hút chất lỏng (chọc dò lồng ngực). Bác sĩ đưa một cây kim nhỏ vào khoang màng phổi và loại bỏ chất lỏng để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác gây ra bệnh viêm màng phổi.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm màng phổi?

điều trị viêm màng phổi

Cách điều trị viêm màng phổi tập trung chủ yếu vào nguyên nhân. Ví dụ như nếu nguyên nhân viêm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là nhiễm virus, viêm màng phổi có thể tự khỏi, điều trị chủ yếu là làm giảm nhẹ triệu chứng.

Viêm màng phổi uống thuốc gì? Cơn đau ngực do viêm màng phổi có thể được điều trị bằng một loại thuốc giảm đau được gọi là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thông thường, bác sĩ thường chỉ định thuốc ibuprofen. Nếu NSAID không hiệu quả hoặc không phù hợp, bạn có thể được kê thuốc giảm đau khác như paracetamol hoặc codeine.

Hãy thử các tư thế khác nhau khi nghỉ ngơi để xem tư thế nào là thoải mái nhất cho bạn. Nghe có vẻ lạ, nhưng thường xuyên nằm nghiêng về phía ngực bị đau sẽ giúp giảm cơn đau.

Nếu có quá nhiều chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi gây viêm, các bác sĩ loại bỏ không khí, máu hoặc dịch trong khoang màng phổi. Tùy thuộc vào lượng chất cần được dẫn lưu, các bác sĩ sử dụng kim và ống tiêm (lồng ngực) hoặc ống lồng ngực để hút chất lỏng ra khỏi khu vực.

Viêm màng phổi có chữa được không? Hiệu quả điều trị viêm màng phổi phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nếu bệnh gây ra viêm màng phổi được chẩn đoán và điều trị sớm, bạn có thể hồi phục hoàn toàn.

Phòng ngừa

Những biện pháp nào giúp bạn hạn chế bệnh viêm màng phổi?

Bạn sẽ có thể kiểm soát viêm màng phổi nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các thuốc như ibuprofen (Advil®, Motrin IB® và những loại khác) sẽ giúp giảm đau và viêm.
  • Nghỉ ngơi nhiều. Hãy tự mình tìm tư thế giảm đau tốt nhất và nằm theo tư thế đó.
  • Đừng hút thuốc.Hút thuốc có thể gây kích ứng nhiều hơn cho phổi của bạn. Nếu bạn hút thuốc và không thể tự bỏ, hãy nhờ bác sĩ giúp đỡ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 25/03/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo