backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Viêm đại tràng giả mạc

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Cang Lữ · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Viêm đại tràng giả mạc

Tìm hiểu chung

Viêm đại tràng giả mạc là bệnh gì?

Viêm đại tràng giả mạc, còn gọi là viêm đại tràng liên quan đến kháng sinh hoặc viêm đại tràng C. difficile, viêm ruột kết hợp với sự phát triển quá mức của vi khuẩn C. difficile. Bệnh này là nguyên nhân phổ biến gây tiêu chảy sau khi dùng kháng sinh.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm đại tràng giả mạc là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm đại tràng giả mạc là:

  • Tiêu chảy ra nước hoặc thậm chí là ra máu;
  • Đau quặn bụng;
  • Sốt;
  • Có mủ hoặc chất nhầy trong phân;
  • Buồn nôn;
  • Mất nước.

Các triệu chứng của viêm đại tràng giả mạc có thể bắt đầu sau 1-2 ngày sau khi bạn bắt đầu dùng thuốc kháng sinh hoặc vài tuần sau khi bạn hoàn thành một liệu trình thuốc kháng sinh.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có dùng kháng sinh và bị tiêu chảy, hãy liên hệ với bác sĩ, ngay cả khi bị tiêu chảy nhẹ. Ngoài ra, bạn hãy gặp bác sĩ bất cứ khi nào bị tiêu chảy nặng, sốt, đau bụng dữ dội, có máu hoặc mủ trong phân.

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Thông thường, cơ thể giữ các vi khuẩn trong ruột một cách cân bằng lành mạnh và tự nhiên. Tuy nhiên, kháng sinh và các thuốc khác có thể làm đảo lộn sự cân bằng này. Bệnh viêm đại tràng giả mạc xảy ra khi một số vi khuẩn, thường là C. Difficile sinh sôi vượt mức an toàn. Một số độc tố của C. difficile thường chỉ ở mức thấp và không gây nguy hại. Tuy nhiên, khi độc tốcủa C. difficile được tiết ra quá nhiều thì sẽ đủ để làm hỏng đại tràng.

Trong khi hầu hết các kháng sinh có thể gây viêm đại tràng giả mạc, một số kháng sinh có khả năng gây viêm đại tràng giả mạc cao hơn so với những loại khác, bao gồm:

Các thuốc khác ngoài thuốc kháng sinh đôi khi có thể gây viêm đại tràng giả mạc. Hóa trị liệu được dùng để điều trị ung thư có thể phá vỡ sự cân bằng bình thường của vi khuẩn ở đại tràng. Một số bệnh có ảnh hưởng đến ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, cũng có thể ảnh hưởng gây viêm đại tràng giả mạc.

Bào tử C. difficile có khả năng kháng nhiều loại thuốc khử trùng thông thường và có thể truyền từ tay của chuyên viên chăm sóc y tế sang cho bệnh nhân. Báo cáo ghi nhận ngày càng có nhiều người bị nhiễm phải bào tử C. difficile, mặc dù họ không có nguy cơ mắc phải, không được chăm sóc y tếhay thậm chí là sử dụng kháng sinh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Bệnh viêm đại tràng giả mạc rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Bạn có thể kiểm soát bệnh viêm đại tràng giả mạc bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh viêm đại tràng giả mạc, chẳng hạn như:

  • Điều trị kháng sinh;
  • Ở trong bệnh viện hoặc nhà dưỡng lão;
  • Cao tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi;
  • Có hệ thống miễn dịch bị suy yếu;
  • Có bệnh đại tràng, như bệnh viêm ruột hoặc ung thư đại trực tràng;
  • Trải qua phẫu thuật đường ruột;
  • Tiếp nhận điều trị hóa trị ung thư.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Các xét nghiệm và thủ tục được sử dụng để chẩn đoán viêm đại tràng giả mạc và để tìm kiếm các biến chứng bao gồm:

  • Xét nghiệm mẫu phân. Phương pháp này sử dụng một số mẫu phân khác nhau để phát hiện C. difficile lây nhiễm trong đại tràng;
  • Xét nghiệm máu. Phương pháp này có thể chỉ ra chỉ số cao bất thường của các tế bào máu trắng (bạch cầu), từ đó có thể xác định bạn có mắc phải bệnh viêm đại tràng giả mạc hay không;
  • Nội soi đại tràng hoặc soi đại tràng sigma. Trong cả hai xét nghiệm trên, bác sĩ dùng một ống có gắn một máy ảnh thu nhỏ ở đầu để kiểm tra bên trong ruột già của bạn xem có các dấu hiệu của viêm đại tràng giả mạc, những mảng màu vàng (tổn thương) và vết sưng hay không;
  • Xét nghiệm bằng hình ảnh. Nếu bạn có những triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành chụp X-quang hoặc quét CT bụng để tìm kiếm các biến chứng như phình đại tràng hoặc vỡ ruột.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Các liệu pháp điều trị bao gồm:

  • Ngưng sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các thuốc gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh viêm đại tràng giả mạc. Đôi khi, điều này có thể đủ để giải quyết tình trạng của bạn hoặc ít nhất là giảm bớt các triệu chứng, chẳng hạn như tiêu chảy;
  • Sử dụng kháng sinh có hiệu quả chống lại C. difficile. Nếu bạn vẫn gặp các triệu chứng, bác sĩ có thể sử dụng một loại kháng sinh khác để điều trị C. difficile, điều này cho phép các vi khuẩn bình thường phát triển trở lại, khôi phục lại sự cân bằng lành mạnh trong ruột già. Bác sĩ có thể cho bạn uống kháng sinh, thông qua tĩnh mạch hoặc qua một ống luồn qua mũi vào dạ dày (ống thông mũi dạ dày). Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bác sĩ thường sẽ sử dụng metronidazole (Flagyl®), vancomycin, fidaxomicin (Dificid®) hoặc kết hợp cả 2 loại trên;
  • Cấy ghép phân (FMT). Nếu tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, bạn có thể được cấy ghép các phân từ của một người hiến tặng khỏe mạnh để khôi phục lại sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột già. Các phân này có thể được đưa vào cơ thể bạn thông qua một ống thông mũi dạ dày, chèn vào ruột già hoặc đặt trong một viên nang để nuốt. Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng một sự kết hợp điều trị kháng sinh theo sau FMT.

Một khi bạn bắt đầu điều trị viêm đại tràng giả mạc, các dấu hiệu và triệu chứng có thể bắt đầu cải thiện trong vòng một vài ngày. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu phương pháp điều trị mới cho bệnh viêm ruột kết màng giả, bao gồm thuốc kháng sinh thay thế và thuốc đặc chủng.

Chủng C. difficile mới có khả năng chống lại thuốc kháng sinh, điều này khiến cho việc điều trị viêm đại tràng giả mạc ngày càng khó khăn và tình trạng tái phát bệnh ngày càng nhiều. Với mỗi lần tái phát, nguy cơ bạn mắc bệnh trở lại sẽ tăng thêm. Phương án điều trị có thể bao gồm:

  • Sử dụng kháng sinh. Bạn có thể cần sử dụng lại thuốc kháng sinh hai hoặc ba lần để giải quyết triệu chứng;
  • Phẫu thuật. Những người có tình trạng suy cơ quan nội tạng, vỡ đại tràng và viêm màng bụng (viêm phúc mạc) có thể lựa chọn phương án này. Phẫu thuật thường liên quan đến việc loại bỏ toàn bộ hoặc một phần của đại tràng. Một phương pháp phẫu thuật mới liên quan đến việc soi ổ bụng, tạo ra một vòng lặp của ruột và làm sạch nó (chuyển hướng thủ thuật mở thông ruột và rửa đại tràng) đã có kết quả tích cực;
  • Cấy vi khuẩn Fecal (FMT). FMT được sử dụng để điều trị viêm đại tràng giả mạc tái phát. Bác sĩ sẽ đưa vào cơ thể bạn một viên nang có chứa vi khuẩn Fecal bằng ống thông mũi dạ dày hoặc chèn vào ruột già.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm đại tràng giả mạc?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh viêm đại tràng giả mạc nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Uống nhiều chất lỏng. Uống nước là tốt nhất, chất lỏng có bổ sung natri và kali (điện giải) cũng có lợi. Bạn nên tránh các đồ uống có nhiều chất đường hoặc chứa cồn hoặc caffeine như cà phê, trà và cola vì chúng có thể làm nặng thêm các triệu chứng;
  • Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, bao gồm táo, chuối và gạo. Bạn nên tránh các thức ăn nhiều chất xơ, chẳng hạn như đậu, các loại hạt và rau quả. Nếu bạn cảm thấy tình trạngđã được cải thiện, hãy từ từ bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ trở lại chế độ ăn uống;
  • Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.

Tránh các thực phẩm có tính kích thích. Bạn hãy tránh xa thực phẩm cay, béo hoặc các loại thực phẩm chiên và bất kỳ loại thực phẩm nào mà làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Cang Lữ · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo