backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Ung thư xoang

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Ung thư xoang

Tìm hiểu chung

Ung thư xoang là bệnh gì?

Các xoang cạnh mũi là những không gian nhỏ và rỗng xung quanh mũi, được lót bằng tế bào tiết chất nhầy, giữ cho mũi không bị khô. Các khoang mũi có lối thoát ngay phía sau mũi, không khí đi qua khoang mũi đến họng khi bạn thở.

Ung thư xoang là sự sinh trưởng bất thường của các tế bào ở trong và xung quanh các ngóc ngách bên trong mũi (khoang mũi).

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh ung thư xoang là gì?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư xoang là:

  • Nghẹt mũi hoặc sung huyết mũi dai dẳng, thường được gọi là tắc nghẽn xoang;
  • Nhiễm trùng xoang mạn tính không phản ứng với điều trị kháng sinh;
  • Nhức đầu thường xuyên hoặc đau ở vùng xoang;
  • Đau hoặc sưng ở mặt, mắt hoặc tai;
  • Chảy nước mắt dai dẳng;
  • Phồng một bên mắt hoặc mất thị lực;
  • Khứu giác bị suy giảm;
  • Đau hoặc tê răng;
  • Răng bị lung lay;
  • Trên mặt, mũi hoặc bên trong miệng có khối u;
  • Chảy máu cam và nước mũi thường xuyên;
  • Khó há miệng;
  • Khối u hoặc loét bên trong mũi không lành;
  • Mệt mỏi;
  • Sụt cân không chủ đích;
  • Có bướu ở cổ.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh ung thư xoang?

Thực tế, có nhiều loại u khác nhau có thể hình thành trong mũi hoặc xoang. Một trong số này bao gồm:

  • U nhú chuyển dạng;
  • Ung thư biểu mô tế bào gai;
  • Ung thư tế bào chuyển tiếp;
  • Ung thư biểu mô tế bào tuyến;
  • Ung thư biểu mô nang tuyến;
  • Ung thư tế bào hắc tố;
  • Ung thư nguyên bào thần kinh;
  • Sarcôm;
  • Lymphôm;
  • Plasmacytoma;
  • U tương bào;
  • Ung thư di căn.

Đôi khi, những người bị ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi không có những triệu chứng trên. Trên thực tế, những loại ung thư thường được chẩn đoán ở giai đoạn trễ, vì bệnh ung thư ở giai đoạn sớm thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Ung thư xoang thường được phát hiện khi một người đang được điều trị một bệnh lành tính như là viêm xoang

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh ung thư xoang?

Bệnh ung thư xoang cực kỳ hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư xoang?

Có 2 yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi:

  • Sử dụng thuốc lá. Đây là yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra ung thư đầu và cổ. Các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá, xì gà, tẩu, thuốc lá nhai và thuốc lá hít. 85% ung thư đầu và cổ có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá. Vô tình hít phải khói thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đầu và cổ;
  • Rượu. Uống rượu thường xuyên có thể gây ra ung thư đầu và cổ. Sử dụng rượu và thuốc lá với nhau sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thậm chí còn nhiều hơn.
  • Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi:

    • Giới tính. Ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi xảy ra ở nam giới nhiều gấp hai lần phụ nữ;
    • Tuổi tác. Ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi phổ biến ở những người trong độ tuổi từ 45 và 85;
    • U nhú ở người (HPV). Nghiên cứu cho thấy người bị nhiễm phải virus này có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi. Quan hệ tình dục với người bị nhiễm HPV là hình thức lây nhiễm HPV phổ biến nhất. Có nhiều loại HPV khác nhau thì được gọi là chủng. Nghiên cứu cho thấy một số chủng HPV có mối liên hệ mạnh mẽ hơn với một số loại ung thư. Tuy nhiên, hiện tại các bác sĩ có vắc xin để giúp bạn ngăn ngừa một số chủng HPV;
    • Hít chất độc. Hít vào một số chất từ môi trường làm việc có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi;
    • Tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh ung thư xoang mũi và khoang cạnh mũi có thể tăng lên nếu bạn tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm;
    • Sử dụng cần sa. Nghiên cứu gần đây cho thấy những người sử dụng cần sa có nguy cơ cao bị ung thư đầu và cổ.

    Điều trị hiệu quả

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh ung thư xoang?

    Bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh sử và khám cho bạn. Chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính và chụp cộng hưởng từ thường được thực hiện để xác định giai đoạn khối u và kiểm tra xem có dấu hiệu di căn hoặc lan rộng không. Chụp cắt lớp vi tính hữu dụng hơn trong việc đánh giá cấu trúc xương của các xoang và nền sọ. Chụp cộng hưởng từ được ưa chuộng hơn trong việc xác định chi tiết mô mềm, chẳng hạn như xâm lấn màng cứng (màng bao phủ não), mắt hoặc não. Sinh thiết khối u là cần thiết để xác định chẩn đoán sau cùng, điều này thường được thực hiện tại phòng khám kèm với gây tê bằng thuốc tiêm hoặc thuốc bôi. Đôi khi, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết dưới điều kiện kiểm soát tốt hơn như trong phòng mổ đặc biệt nếu có nguy cơ chảy máu.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh ung thư xoang?

    Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho hầu hết các khối u mũi xoang. Bác sĩ có thể tiến hành xạ trị nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ các khối u hoặc bệnh nhân không thể chịu được phẫu thuật. Trong một số tình huống cụ thể, bác sĩ có thể kết hợp điều trị phẫu thuật và xạ trị có hoặc không có hóa trị.

    Loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào kích thước, độ lan rộng của các khối u và mong muốn của bác sĩ. Phương pháp tiếp cận có thể từ bên ngoài hoặc nội soi. Loại bỏ các khối u mũi xoang có thể gây biến dạng khuôn mặt và bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi nói và nuốt. Do đó, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để giải quyết những vấn đề này, thường sử dụng mô từ những nơi khác trong cơ thể.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh ung thư xoang?

    Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh ung thư xoang nếu áp dụng các biện pháp sau:

    • Đối phó với các tác dụng phụ của điều trị. Bạn hãy tìm hiểu thêm về tác dụng phụ của ung thư và cách điều trị chúng cùng với những cách để ngăn chặn hoặc kiểm soát chúng. Sức khỏe thể chất thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả giai đoạn của ung thư, độ dài, liều điều trị và sức khỏe chung. Đôi khi, tác dụng phụ của điều trị có thể kéo dài sau khi kết thúc điều trị, bác sĩ gọi đó là những tác dụng phụ lâu dài. Họ gọi các tác dụng phụ xảy ra sau nhiều tháng hoặc nhiều năm là ảnh hưởng điều trị muộn. Điều trị các tác dụng phụ lâu dài và các ảnh hưởng điều trị muộn là một phần quan trọng của việc chăm sóc. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin;
    • Đối phó với các ảnh hưởng cảm xúc và xã hội. Bạn có thể gặp phải những tác động về tình cảm và xã hội cũng như thể chất sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Bạn sẽ phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn như lo lắng hay tức giận và kiểm soát mức độ căng thẳng. Đôi khi, các bệnh nhân có vấn đề về thể hiện cảm xúc khiến cho người thân không biết phải nói gì. Bệnh nhân và gia đình được khuyến khích chia sẻ cảm xúc của mình với bác sĩ;
    • Chăm sóc cho một người thân bị ung thư. Các thành viên gia đình và bạn bè thường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc người bị ung thư khoang mũi hoặc ung thư xoang cạnh mũi, họ được gọi là người chăm sóc. Những người chăm sóc có thể cung cấp hỗ trợ vật chất và tình cảm hỗ trợ cho bệnh nhân, ngay cả khi họ ở xa.

    Dưới đây là vai trò của người chăm sóc:

    • Cung cấp hỗ trợ và khuyến khích;
    • Hỗ trợ sử dụng thuốc;
    • Giúp kiểm soát các triệu chứng và tác dụng phụ;
    • Đặt cuộc hẹn với bác sĩ;
    • Đưa bệnh nhân đến gặp bác sĩ;
    • Hỗ trợ các bữa ăn;
    • Giúp đỡ công việc gia đình;
    • Xử lý bảo hiểm và thanh toán;
    • Tìm hiểu thêm về phương pháp chăm sóc.

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo