backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Thiếu máu cục bộ đường ruột

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Thiếu máu cục bộ đường ruột

Tìm hiểu chung

Thiếu máu cục bộ đường ruột là bệnh gì?

Thiếu máu cục bộ đường ruột là một loạt các tình trạng xảy ra khi sự tắc nghẽn, thường ở một động mạch, làm cho lưu lượng máu đến ruột giảm. Thiếu máu cục bộ đường ruột có thể ảnh hưởng đến ruột non, ruột già (đại tràng) hoặc cả hai.

Thiếu máu cục bộ đường ruột là một tình trạng nghiêm trọng vì gây đau đớn và ảnh hưởng đến hoạt động của ruột. Trong trường hợp nặng, mất máu đến ruột có thể gây tổn hại mô ruột và dẫn đến tử vong.

Thiếu máu cục bộ đường ruột có thể chữa trị được. Để nâng cao cơ hội phục hồi, bạn cần nhận biết các triệu chứng ban đầu và điều trị bệnh kịp thời.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của thiếu máu cục bộ đường ruột có thể xuất hiện đột ngột (cấp tính) hoặc dần dần (mạn tính).

Thông thường, không có dấu hiệu và triệu chứng cho thấy dấu hiệu thiếu máu cục bộ đường ruột, nhưng có một số triệu chứng được thừa nhận.

Các triệu chứng của thiếu máu cục bộ đường ruột cấp tính có thể bao gồm:

  • Đau bụng đột ngột có thể từ nhẹ đến nặng;
  • Có nhu cầu đi ngoài;
  • Thường xuyên đi tiểu;
  • Đau hoặc chướng bụng;
  • Có máu trong phân;
  • Buồn nôn, ói mửa;
  • Sốt;
  • Chứng nhầm lẫn ở người cao tuổi.

Các triệu chứng của thiếu máu mạn tính ở ruột gồm:

  • Đau bụng sau khi ăn, thường là trong vòng một giờ đầu tiên và kéo dài từ 1-3 giờ;
  • Đau bụng ngày càng nghiêm trọng trong vài tuần hoặc vài tháng;
  • Không ăn uống vì sợ có cơn đau sau khi ăn;
  • Giảm cân ngoài ý muốn;
  • Bệnh tiêu chảy;
  • Buồn nôn, ói mửa;
  • Đầy hơi.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Những nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột là do giảm lưu lượng máu. Khi lưu lượng máu không thể đáp ứng nhu cầu của ruột thì thiếu máu cục bộ đường ruột sẽ xảy ra. Sự thiếu hụt này gây khó khăn cho hoạt động của ruột.

Dù nguyên nhân gây ra là gì, việc lưu lượng máu trong đường tiêu hóa giảm sẽ khiến các tế bào trở nên thiếu oxy, sau đó suy yếu và chết. Nếu bị tổn thương nghiêm trọng thì có thể dẫn đến nhiễm trùng và cuối cùng hình thành lỗ thủng trong thành ruột. Nếu không được điều trị, thiếu máu cục bộ đường ruột có thể gây tử vong.

Thiếu máu cục bộ đường ruột thường được chia thành các loại:

Thiếu máu đại tràng (viêm đại tràng thiếu máu cục bộ)

Đây là loại phổ biến nhất của bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột. Bệnh xảy ra khi lưu lượng máu đến ruột bị giảm và thường ảnh hưởng đến người lớn từ 60 tuổi trở lên, mặc dù bệnh có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Tích tụ cholesterol trên các thành động mạch;
  • Huyết áp thấp (hạ huyết áp) liên quan đến suy tim, phẫu thuật lớn, chấn thương hoặc sốc;
  • Khối máu đông trong động mạch gây cản trở việc cung cấp máu đến đại tràng;
  • Các rối loạn khác có ảnh hưởng đến việc vận chuyển máu, chẳng hạn như viêm các mạch máu, lupus hoặc thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm;
  • Một số loại thuốc, đặc biệt là những loại thuốc co mạch máu, chẳng hạn như một số thuốc tim mạch, đau nửa đầu và các loại thuốc nội tiết tố, chẳng hạn như estrogen;
  • Sử dụng cocaine hoặc methamphetamine;
  • Tập các bài tập mạnh, chẳng hạn như chạy bộ đường dài.

Thiếu máu mạc treo cấp

Loại này được gây ra do:

  • Một khối máu đông di chuyển từ tim và đi qua máu, làm tắc nghẽn một động mạch. Các động mạch mạc treo tràng trên, nơi cung cấp máu giàu oxy đến đường ruột, thường bị ảnh hưởng;
  • Tình trạng tắc nghẽn xuất hiện ở một trong các động mạch ruột chính;
  • Lưu lượng máu giảm do huyết áp thấp.

Thuyên tắc tĩnh mạch nội tạng

Khối máu đông có thể hình thành trong tĩnh mạch chuyển máu đã khử oxy từ ruột. Khi các tĩnh mạch bị chặn, chúng chuyển máu trở vào trong ruột, gây sưng và chảy máu. Loại này được gây ra do:

  • Viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính;
  • Nhiễm trùng ổ bụng;
  • Bệnh ung thư hệ thống tiêu hóa;
  • Bệnh ruột, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn, v.v;
  • Rối loạn dễ gây đông máu (rối loạn hypercoagulation), chẳng hạn như rối loạn đông máu di truyền hoặc dùng thuốc như estrogen có thể làm tăng nguy cơ đông máu;
  • Chấn thương vùng bụng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Thiếu máu cục bộ đường ruột là tình trạng sức khỏe rất phổ biến và thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn so với nam giới nhưng có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột, chẳng hạn như:

  • Sự tích tụ mỡ trong động mạch (xơ vữa động mạch);
  • Các vấn đề về huyết áp;
  • Vấn đề tim mạch;
  • Dược phẩm;
  • Các vấn đề đông máu;
  • Sử dụng ma túy.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Những xét nghiệm dùng để chẩn đoán bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột bao gồm:

  • Bệnh sử: đây là yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột;
  • Xét nghiệm máu thường quy;
  • Nội soi đại tràng;
  • Siêu âm;
  • Các xét nghiệm X-quang bụng bao gồm chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI;
  • Chụp động mạch mạc treo;
  • Phẫu thuật thăm dò ổ bụng;
  • Chụp mạch là quy trình đặc biệt sử dụng X-quang kiểm tra các mạch máu. Bác sĩ sẽ tiêm chất tương phản qua một ống thông nhỏ đặt vào động mạch hoặc tĩnh mạch bụng, sau đó chụp hình ảnh X-quang các mạch.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Phương pháp điều trị thiếu máu cục bộ đường ruột bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh để điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng;
  • Điều trị các tình trạng bệnh cơ bản, chẳng hạn như suy tim sung huyết hoặc nhịp tim bất thường;
  • Nếu ruột đã bị tổn thương, bạn có thể phải phẫu thuật để loại bỏ các mô chết.

Thiếu máu động mạch mạc treo cấp tính, phương pháp điều trị bệnh này bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh và thuốc biệt dược để ngăn ngừa máu đông hình thành bằng cách hòa tan các khối máu đông hoặc làm giãn các mạch máu;
  • Phẫu thuật (nếu cần thiết) để loại bỏ khối máu đông, sự tắc nghẽn động mạch hoặc để sửa chữa hay loại bỏ một phần ruột bị tổn thương.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thiếu máu cục bộ đường ruột?

Bạn có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như nhịp tim không đều, huyết áp cao và cholesterol cao;
  • Bỏ thuốc lá;
  • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh;
  • Tập thể dục;
  • Nhanh chóng điều trị chứng thoát vị.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Mạnh Thắng · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo