backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Rối loạn chuyển dạng (Rối loạn dạng cơ thể)

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Rối loạn chuyển dạng (Rối loạn dạng cơ thể)

Tìm hiểu chung

Rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể) là bệnh gì?

Rối loạn chuyển dạng (hay còn gọi là rối loạn dạng cơ thể) xuất hiện khi bạn có biểu hiện căng thẳng hoặc áp lực tinh thần lên cơ thể của mình. Nói cách khác, rối loạn chuyển dạng là tình trạng sức khỏe của bạn bình thường nhưng cơ thể lại có những bất thường do các tác nhân như khủng hoảng tình cảm hoặc sang chấn tâm lý như hoảng sợ tột độ hoặc căng thẳng quá mức. Ví dụ như khi bị rối loạn chuyển dạng, bạn bị té ngựa và sau đó chân bạn bị liệt dù không có chấn thương nào ở chân.

Triệu chứng và dấu hiệu của rối loạn chuyển dạng không phụ thuộc vào trạng thái tâm lý nhất định nào nên bạn không thể kiểm soát hay dự đoán được.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể) là gì?

Hầu hết các triệu chứng xảy ra đột ngột ngay sau sang chấn tâm lý và thường biến mất trong 2 tuần. Rối loạn dạng cơ thể chủ yếu làm gián đoạn hay thay đổi chuyển động cơ thể và chức năng của giác quan.

Cụ thể triệu chứng thể chất của rối loạn dạng cơ thể bao gồm:

  • Liệt cơ hoặc nhược cơ ở một bên;
  • Tê cứng;
  • Dáng đi kỳ quặc hoặc không đi được;
  • Mất cảm giác bộ phận nào đó;
  • Mất tiếng;
  • Mù một hoặc hai mắt;
  • Điếc một hoặc hai tai;
  • Ù tai;
  • Run và động kinh giả: đây là tình trạng co giật nhưng không gây ra bởi rối loạn xung điện não mà do sang chấn tâm lý.
  • Những triệu chứng có thể nặng hay nhẹ, nhanh khỏi hay kéo dài tùy vào thể trạng và mức độ chấn động tâm lý.

    Ban có thể gặp các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

    Tốt nhất bạn nên tìm tới bệnh viện hoặc bác sĩ gần nhất ngay khi bạn nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng có thể gây ra bởi rối loạn chuyển dạng kể trên.

    Nếu vấn đề gây ra các triệu chứng là do bạn mắc bệnh khác thì bạn càng cần phải được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Nếu chẩn đoán xác định là do rối loạn chuyển dạng, bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn cải thiện các triệu chứng và ngăn chặn các giai đoạn tiếp theo của rối loạn.

    Nguyên nhân gây bệnh

    Nguyên nhân nào gây ra rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Những rối loạn thể chất của rối loạn dạng cơ thể đều cần một sang chấn tâm lý nào đó kích thích. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao sang chấn tâm lý lại gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Các chuyên gia đưa ra giả thiết rằng, chấn động tâm thần quá lớn có thể đủ ảnh hưởng đến phần não và dây thần kinh điều khiển chức năng của cơ thể khác. Hậu quả là phần cơ thể đó sẽ biểu hiện lâm sàng các triệu chứng như tê liệt hoặc mất chức năng tạm thời.

    Rối loạn chuyển dạng không phải bệnh truyền nhiễm và không di truyền.

    Nguy cơ mắc phải

    Những ai thường mắc phải rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Rối loạn dạng cơ thể khá hiếm, xảy ra ở 11 trên 100000 người. Bệnh nhân đa số là nữ. Trẻ dưới 10 tuổi và những người trên 35 tuổi hiếm khi mắc bệnh.

    Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Các yếu tố làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển dạng bao gồm:

    • Căng thẳng quá mức;
    • Là nữ giới;
    • Mắc bệnh tâm thần như rối loạn cảm xúc, lo lắng, rối loạn phân ly hay một vài rối loạn nhân cách khác;
    • Mắc bệnh thần kinh gây ra các triệu chứng tương tự như động kinh;
    • Có thành viên gia đình mắc rối loạn chuyển dạng;
    • Có tiền sử bị xâm phạm về thể xác hay tình dục, bị bỏ rơi khi còn nhỏ.

    Không có các yếu tố nguy cơ bệnh không có nghĩa là bạn không thể mắc bệnh. Những yếu tố trên chỉ là số chung và chỉ mang tính tham khảo. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết thêm chi tiết.

    Điều trị hiệu quả

    Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ cho bạn làm các xét nghiệm và khám lâm sàng. Các xét nghiệm hình ảnh bao gồm chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm. Ngoài ra, còn có đo điện não đồ (EEG). Sau khi loại trừ khả năng bạn bị các bệnh có cùng triệu chứng khác kết hợp lịch sử sang chấn tâm lý trước đó, bác sĩ mới chẩn đoán bạn bị rối loạn chuyển dạng.

    Những phương pháp nào dùng để điều trị rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Điều trị rối loạn chuyển dạng rất khó khăn do cơ thể bạn có triệu chứng nhưng kết quả xét nghiệm lại bình thường. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần hoặc bác sĩ tâm lý có thể cùng tham gia điều trị bệnh khiến bạn bị rối loạn chuyển dạng.

    Nếu bạn mắc bệnh về thần kinh như động kinh hoặc dị tật ở não, bác sĩ tâm thần sẽ chỉ định thuốc đặc trị và liệu trình phù hợp chữa bệnh tâm thần cho bạn.

    Bác sĩ tâm lý sẽ thiết kế phương pháp điều trị cho bạn bao gồm liệu pháp nhận thức và hành vi. Liệu pháp nhận thức chỉ ra cho bạn lối tư duy nào gây ra sang chấn tâm lý. Liệu pháp hành vi phá vỡ mối liên kết giữa lối tư duy đó với căng thẳng và lo âu để giảm chấn động tâm lý gây rối loạn chuyển dạng.

    Chế độ sinh hoạt phù hợp

    Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn chuyển dạng (rối loạn dạng cơ thể)?

    Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều dưới đây:

    • Nghe theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ;
    • Không tự ý chữa trị ở nhà;
    • Không giấu bệnh nếu có bất cứ bất thường nào xuất hiện;
    • Tránh để bị sốc hoặc chấn động tâm lý nhiều.

    Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đề nghị nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế để được có giải đáp tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 11/05/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo