backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Herpangina

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 11/05/2020

Herpangina

Tìm hiểu chung

Herpangina là bệnh gì?

Bệnh Herpangina do một loại virus gây ra và khá phổ biến ở trẻ em. Khi bị bệnh, bạn có thể thấy một số vết loét nhỏ, dạng mụn rộp trên vòm miệng và ở mặt sau cổ họng. Ngoài ra, nhiễm trùng cũng có thể gây ra một cơn sốt đột ngột, đau họng, đau đầu và đau cổ.

Bệnh Herpangina khá giống với bệnh tay chân miệng nhưng do một loại nhiễm trùng khác gây ra và bệnh tay chân miệng thường ảnh hưởng đến trẻ em. Nguyên nhân gây ra cả hai  bệnh này là enterovirus, nhóm virus thường ảnh hưởng đến đường tiêu hóa nhưng có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể. Hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất các kháng thể để chống lại nhiễm trùng. Kháng thể là các protein đóng vai trò trong việc nhận ra và phá hủy một số chất có hại như virus và vi khuẩn nhưng do trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triền đầy đủ nên có ít kháng thể thích hợp để kháng bệnh. Do đó, trẻ em thường dễ bị nhiễm enterovirus hơn người lớn.

Các nhóm virus gây ra bệnh Herpangina rất dễ lây lan. May mắn thay, các triệu chứng có thể điều trị và thường hết trong thời hạn 7 đến 10 ngày.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Herpangina là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Herpangina có thể khác nhau ở từng người. Bệnh có thể có một số biểu hiện như:

  • Sốt đột ngột;
  • Đau họng;
  • Nhức đầu;
  • Đau cổ;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Khó nuốt;
  • Chán ăn;
  • Chảy nước miếng (ở trẻ sơ sinh);
  • Nôn mửa (ở trẻ sơ sinh);
  • Các vết loét nhỏ ở mặt sau của miệng và cổ họng bắt đầu xuất hiện khoảng hai ngày sau khi nhiễm bệnh. Chúng có xu hướng chuyển sáng màu xám trắng và thường có viền màu đỏ. Các vết loét thường lành trong vòng bảy ngày.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh Herpangina?

Bệnh Herpangina thường do virus coxsackie nhóm A gây ra. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, coxsackieviruses nhóm B, enterovirus 71echovirus cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Các virus này rất dễ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt là trong các trường học và các nhà trẻ. Những người bị nhiễm bệnh Herpangina lây nhiễm nhiều nhất trong tuần bệnh đầu tiên.

Bạn có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với phân bị ô nhiễm hoặc những giọt nước do người bệnh hắt hơi hoặc ho ra. Virus có thể sống trên các bề mặt và đối tượng chẳng hạn như bàn và đồ chơi trong vài ngày.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc bệnh Herpangina?

Bệnh Herpangina có thể ảnh hưởng mọi người nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ hơn 5 tuổi. Đặc biệt, trẻ em đến trường, nhà trẻ hoặc đi cắm trại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Ngoài ra, trẻ dễ nhiễm bệnh vào mùa hè và mùa mưa hơn các mùa khác.

Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh Herpangina?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Tuổi: trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác;
  • Phạm vi hoạt động: trẻ em đi học, ở các cơ sở chăm sóc trẻ hoặc đi cắm trại có tỷ lệ mắc bệnh cao;
  • Khí hậu: bệnh thường dễ lây lan hơn vào mùa hè và mùa thu.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh Herpangina?

Vì các vết loét do bệnh Herpangina khá đặc trưng nên bác sĩ thường có thể chẩn đoán tình trạng này bằng cách khám bệnh. Bác sĩ cũng sẽ xem xét các triệu chứng cũng như bệnh sử và không thường cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán đặc biệt khác.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh Herpangina?

Mục tiêu chính của điều trị là làm giảm các triệu chứng và kiểm soát bệnh. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố chẳng hạn như độ tuổi của bạn, triệu chứng và sự dung nạp đối với một số loại thuốc, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với bạn. Vì Herpangina là một bệnh nhiễm virus nên kháng sinh không phải là một hình thức điều trị hiệu quả. Thay vào đó, bác sĩ có thể khuyên bạn dùng:

  • Ibuprofen hoặc acetaminophen: các loại thuốc này có thể giảm bớt khó chịu và giảm sốt. Trẻ em hoặc thanh thiếu niên không nên sử dụng aspirin để điều trị các triệu chứng nhiễm trùng do virus vì thuốc có thể gây ra hội chứng Reye, một bệnh đe dọa tính mạng do gây sưng đột ngột và viêm ở gan, não;
  • Thuốc tê tại chỗ: một số thuốc gây tê như lidocain có thể giảm đau họng và đau miệng;
  • Tăng lượng dịch: bạn nên uống nhiều nước, đặc biệt là sữa lạnh và nước để phục hồi nhanh hơn. Kem cũng có thể giúp làm dịu cổ họng bị đau. Bạn cũng nên tránh các đồ uống họ cam quýt và đồ uống nóng vì chúng có thể làm cho các triệu chứng diễn tiến nặng hơn.

Nếu được điều trị, các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng bảy ngày không gây ảnh hưởng lâu dài nào.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Herpangina?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Vệ sinh sạch sẽ là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh Herpangina. Bạn nên luôn luôn rửa tay kỹ lưỡng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;
  • Khi chăm sóc cho một đứa trẻ bị bệnh Herpangina, bạn nên rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với tã bẩn hoặc chất nhầy;
  • Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bạn nên dạy con làm tương tự như vậy;
  • Làm sạch các bề mặt, đồ chơi và vật thể khác với một chất khử trùng để diệt virus;

Bạn cũng nên cho con bạn nghỉ một vài ngày để tránh lây nhiễm cho người khác.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Hoàng Hiệp · Ngày cập nhật: 11/05/2020

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo