backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ
Mục lục bài viết

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh - Bạn cần biết gì về dị tật bẩm sinh này?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/06/2023

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh - Bạn cần biết gì về dị tật bẩm sinh này?

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh là một dị tật hậu môn trực tràng hiếm gặp. Đây là một vấn đề nghiêm trọng vì phân của trẻ có thể không ra ngoài được hoặc ra rất ít, thay vào đó là tiếp tục tích tụ trong cơ thể. Ngoài ra, điều đáng chú ý nữa là hẹp hậu môn cũng thường xảy ra đồng thời với các vấn đề khác chẳng hạn như vấn đề liên quan đến hệ tiết niệu hoặc tim.

Hầu hết trẻ gặp phải dị tật về hậu môn trực tràng đều cần được phẫu thuật để điều trị. Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về tình trạng hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh để có hướng xử lý kịp thời.

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh là gì?

Hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh là một loại dị tật hậu môn trực tràng bẩm sinh. Tình trạng này xảy ra khi thai nhi còn phát triển trong bụng mẹ từ khoảng tuần thứ 5 đến thứ 7 của thai kỳ. Đây là một khiếm khuyết cho thấy hậu môn của trẻ hình thành không đúng cách. Qua đó khiến cho việc đào thải phân từ trực tràng (phần kết nối ruột già với hậu môn) ra ngoài không thể diễn ra bình thường.

Ngoài tình trạng bị hẹp, vùng hậu môn trực tràng còn bao gồm những loại dị tật khác như không có hậu môn, có một lớp màng mỏng bao phủ hậu môn hoặc đôi khi trực tràng của trẻ không thông với hậu môn. Thay vào đó, trực tràng có thể tạo đường thông với đường tiết niệu, ví dụ như bàng quang hoặc bộ phận sinh dục, ví dụ như âm đạo của bé gái, thông qua một lỗ rò.

Nguyên nhân gây ra hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh

hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh

Hẹp hậu môn là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xảy ra với tỷ lệ khoảng 1/1.500 0 – 5.000 trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định rõ ràng. Trong một số trường hợp, hẹp hậu môn nói riêng và các dị tật hậu môn trực tràng khác nói chung xảy ra như một phần của các hội chứng sau đây:

  • Hội chứng VACTERL
  • Hội chứng CHARGE
  • Hội chứng Currarino
  • Hội chứng Townes-Brocks
  • Trong số đó, một vài hội chứng có liên quan đến việc thay đổi số lượng nhiễm sắc thể hoặc các vấn đề về gene cũng góp phần gây ra dị tật hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, dị tật ở hậu môn trực tràng cũng được biết đến là gây ảnh hưởng đến bé trai nhiều hơn so với bé gái.

    Các triệu chứng có thể nhận biết ở trẻ bị hẹp hậu môn

    Các triệu chứng, dấu hiệu của tình trạng hẹp hậu môn và một số bất thường ở vùng hậu môn trực tràng của trẻ sơ sinh bao gồm:

    • Không có lỗ hậu môn
    • Lỗ hậu môn ở sai vị trí, chẳng hạn như quá gần âm đạo
    • Trẻ không đi ngoài phân su trong 24 đến 48 giờ sau sinh
    • Bụng chướng căng
    • Trẻ thải phân ra ngoài theo cách bất thường, chẳng hạn như phân ra ngoài qua niệu đạo, âm đạo, bìu hoặc gốc dương vật, có thể nhận biết bằng cách thấy trẻ đi tiểu có lẫn phân…

    Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị hẹp hậu môn, không có hậu môn… thường “đi kèm” theo các bất thường khác, chẳng hạn như:

    • Dị tật đường tiết niệu
    • Bất thường ở cột sống
    • Khuyết tật bẩm sinh ở khí quản, thực quản
    • Khuyết tật ở cánh tay và chân
    • Hội chứng Down – Bất thường của nhiễm sắc thể số 21 gây thiểu năng trí tuệ, khuôn mặt bất thường và trương lực cơ yếu
    • Bệnh Hirschsprung – Một tình trạng liên quan đến việc thiếu các tế bào thần kinh ở phần ruột già
    • Teo, hẹp tá tràng ở trẻ
    • Dị tật tim bẩm sinh.

    Phương pháp chẩn đoán và điều trị hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh

    Chẩn đoán hẹp hậu môn, dị tật hậu môn trực tràng ở trẻ

    chẩn đoán hẹp hậu môn ở trẻ sơ sinh

    Như đã đề cập, em bé bị hẹp hậu môn hoặc không có hậu môn thì sẽ đi ngoài rất ít phân, thậm chí không thể thải phân. Nếu có một lỗ rò bên trong, phân sẽ đi qua một lỗ khác ra ngoài thay vì qua hậu môn. Trên thực tế, bác sĩ có thể chẩn đoán bất thường ở vùng hậu môn trực tràng của trẻ sơ sinh thông qua siêu âm hoặc chụp X-quang vùng bụng. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho trẻ làm một số xét nghiệm khác liên quan đến tình trạng này, bao gồm:

    • Chụp X-quang cột sống để phát hiện các bất thường về xương
    • Siêu âm cột sống tìm kiếm các bất thường trong thân đốt sống hoặc xương cột sống
    • Siêu âm tim

    Ngoài ra, nếu nghi ngờ em bé bị dị tật hậu môn trực tràng trong giai đoạn mang thai và mẹ muốn biết thêm về tình trạng của con thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc thực hiện một số phương pháp chẩn đoán các bất thường này trong thai kỳ như chọc ối hoặc siêu âm tim thai.

    Điều trị các bất thường vùng hậu môn trực tràng của trẻ

    Đối với tình trạng hẹp hậu môn hoặc bất kỳ vấn đề dị tật nào ở vùng hậu môn trực tràng cũng cần được điều trị bằng phẫu thuật là chủ yếu. Mục tiêu cuối cùng của việc điều trị là giúp hậu môn của trẻ trở lại vị trí bình thường và sửa chữa các dj tật bất thường bên trong. Hướng xử lý và số lần phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà trẻ đang gặp phải, chẳng hạn như:

    • Trẻ có hậu môn hẹp, lỗ hậu môn thấp có thể chỉ cần phẫu thuật một lần. Phẫu thuật này thường đơn giản và giúp mở rộng hậu môn.
    • Đối với các phẫu thuật phức tạp hơn và cần thực hiện nhiều lần, chẳng hạn như dị tật không có hậu môn hoặc trẻ có trực tràng nối với bàng quang, âm đạo… thì không thể thực hiện ngay sau sinh. Thay vào đó, em bé sẽ cần thời gian để lớn lên một chút trước khi phẫu thuật. Trong lúc chờ đợi, bác sĩ thường chọn cách mổ thông ra da tạm thời. Đây là phẫu thuật bắt nguồn từ ruột già để tạo hậu môn giả trên thành bụng và giúp phân thải ra một túi bên ngoài cơ thể. Sau một thời gian và đến lúc trẻ đã sẵn sàng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật xử lý các khiếm khuyết, chẳng hạn như đóng các lỗ rò và tạo hậu môn ở đúng vị trí.
    • Sau các phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng, để ngăn hậu môn không bị khi lành lại thì việc nong hậu môn cho trẻ trong vài tuần hoặc vài tháng là cần thiết. Nếu muốn tiến hành điều này tại nhà, bạn nên nhờ đến sự hướng dẫn từ bác sĩ để thực hiện đúng cách.

    Chăm sóc trẻ sau điều trị phẫu thuật vùng hậu môn trực tràng như thế nào?

    Hầu hết các khuyết tật về hậu môn trực tràng chẳng hạn như hậu môn hẹp… đều có thể được khắc phục thành công bằng việc phẫu thuật. Trẻ gặp khuyết tật này cũng không ảnh hưởng đến khả năng phát triển, học tập. Tuy nhiên, tình trạng táo bón, đại tiện không tự chủ và khó kiểm soát nhu động ruột có thể là vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sau phẫu thuật hậu môn trực tràng.

    Các giải pháp được khuyến khích để giải quyết tình trạng này thường là cho trẻ bổ sung đủ chất xơ, dùng thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng… khi cần thiết. Bên cạnh đó, bạn cần chú ý chăm sóc vết thương của trẻ sau phẫu thuật đúng cách, theo dõi sức khỏe của trẻ, tái khám thường xuyên… Qua đó có thể tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ từ bác sĩ kịp thời nếu có vấn đề bất thường xảy ra nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 27/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo