backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ, sự lây nhiễm, cách chăm sóc & điều trị

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Kim Ngân · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    Triệu chứng bệnh đau mắt đỏ, sự lây nhiễm, cách chăm sóc & điều trị

    Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính, hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực, nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc, thậm chí là mù lòa.

    Đau mắt đỏ là tình trạng viêm kết mạc của mắt (lớp màng ngoài cùng bao phủ phần tròng trắng của mắt). Viêm khiến cho các mạch máu nhỏ trong kết mạc bị sưng lên và dễ bị kích thích.

    Việc phát hiện và điều trị đau mắt đỏ càng sớm càng tốt sẽ hạn chế lây truyền sang người khác.

    Nguyên nhân đau mắt đỏ là gì và triệu chứng tương ứng

    Đau mắt đỏ còn gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân đau mắt đỏ thường là nhiễm virus; ngoài ra còn do vi khuẩn hoặc phản ứng dị ứng. Ở trẻ sơ sinh, đau mắt đỏ xảy ra còn do ống dẫn nước mắt (tuyến lệ) chưa mở hoàn toàn.

    Mặc dù gây kích ứng mắt khiến người bệnh khó chịu nhưng bệnh này hiếm khi bệnh ảnh hưởng đến thị lực.

    tụ cầu staphylococcus có thể là nguyên nhân bệnh đau mắt đỏ

    Virus gây viêm kết mạc thường cùng một loại virus gây sổ mũi và đau họng ở người bị cảm lạnh thông thường. Dấu hiệu đau mắt đỏ – viêm kết mạc do virus bao gồm:

    • Cay mắt
    • Đỏ mắt
    • Chảy nước mắt

    Viêm kết mạc do vi khuẩn xảy ra do kết mạc bị nhiễm khuẩn, có thể do liên cầu. Triệu chứng đau mắt đỏ do vi khuẩn bao gồm:

    • Đau mắt
    • Đỏ mắt
    • Mắt nhiều mủ nhưng cũng có một số ít trường hợp không có.

    Riêng viêm kết mạc dị ứng thường xuất phát từ phản ứng dị ứng với phấn hoa, động vật, khói thuốc lá, clo trong hồ bơi, khói xe hơi và những yếu tố khác từ môi trường. Triệu chứng đau mắt đỏ do dị ứng chủ yếu là ngứa mắt dữ dội, đỏ và chảy nước mắt. Bên cạnh đó, mí mắt có thể bị sưng.

    Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân ít gặp hơn như có dị vật trong mắt, bệnh tự miễn dịch. Theo đó, bạn có thể có một số biểu hiện đau mắt đỏ khác như:

    • Cộm mắt
    • Nhìn mờ
    • Nhạy cảm hơn với ánh sáng
    • Lông mi vón dính vào nhau.

    Bệnh đau mắt đỏ có lây không?

    Bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây ra thì sẽ lây lan, các trường hợp khác thì không.

    Đau mắt đỏ do vi khuẩn lây nhiễm sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc sau điều trị bằng kháng sinh khoảng 24-48 giờ.

    Đau mắt đỏ do virus lây nhiễm khi nào bắt đầu có triệu chứng, thường là vài ngày. Có đôi khi, bạn lây bệnh này trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.

    Đau mắt đỏ lây qua đường nào? Cách lây lan đau mắt đỏ bao gồm:

    • Tiếp xúc trực tiếp với nước mắt hoặc ngón tay, khăn tay của người bị đau mắt đỏ;
    • Lây lan nhiễm trùng từ vi khuẩn sống trong mũi và xoang của chính người đó.
    • Tiếp xúc với chất gây dị ứng
    • Không làm sạch kính áp tròng đúng cách, đeo kính áp tròng quá sát mắt hoặc kính áp tròng để làm đẹp.

    Bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn hoặc virus thường xảy ra ở trẻ em hơn. Điều này là do trẻ tiếp xúc gần với rất nhiều người khác trong trường học hoặc nơi giữ trẻ. Trẻ cũng thường khó giữ được vệ sinh sạch sẽ.

    Bạn cần đi khám nếu thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào kể trên mà bạn cho là do đau mắt đỏ gây ra.

    Cách chữa đau mắt đỏ là gì?

    dùng kính gọng thay cho kính sát tròng nếu bị bệnh đau mắt đỏ

    Đau mắt đỏ nhỏ thuốc gìcách trị đau mắt đỏ thường phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

    • Nếu bệnh đau mắt đỏ do virus, bạn cần đợi hệ miễn dịch của cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus thì bệnh sẽ khỏi. Trong thời gian này, bạn có thể đắp một chiếc khăn ướt và mát lên mắt để bớt khó chịu. Tuy nhiên, khi đau mắt đỏ do virus thủy đậu/ zona hoặc bệnh lây qua đường tình dục cần phải dùng thuốc kháng virus vì chúng nghiêm trọng, có thể để lại sẹo ở mắt hoặc gây giảm thị lực.
    • Trong trường hợp nguyên nhân đau mắt đỏ là vi khuẩn, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc nhỏ mắt kháng sinh tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
    • Khi bệnh viêm kết mạc do dị ứng, một số loại thuốc nhỏ mắt chứa thuốc kháng histamin hoặc thuốc chống viêm như steroid sẽ giúp bạn giảm ngứa và sưng mắt.
    • Đôi khi, bệnh đau mắt đỏ do hóa chất hoặc dị vật gây ra, bạn nên rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước cất sạch. Bên cạnh đó, nếu là do hóa chất có tính axit hay bazơ, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn sử dụng một số thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ tra mắt.

    Bên cạnh đó, đau mắt đỏ nên làm gì thì bạn hãy lưu ý những điều sau:

    • Ghèn thường tích tụ ở mắt trong lúc ngủ, đặc biệt nếu người bệnh là trẻ nhỏ, bé sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu vì lớp ghèn làm dính chặt mắt lại. Bạn hãy dùng khăn sạch nhúng nước ấm chùi nhẹ quanh vùng mắt bé để loại bỏ bớt ghèn;
    • Sử dụng băng gạc vệ sinh mắt rất dễ lây bệnh từ mắt này sang mắt kia. Vì thế, bạn nên sử dụng hai miếng gạc cho mỗi mắt và chỉ dùng một lần duy nhất;
    • Khi vệ sinh mắt, bạn hãy lau từ khu vực trong (bên cạnh mũi) ra phía bên ngoài. Đồng thời sử dụng một bề mặt gạc cho mỗi lần lau để ghèn mắt không bị sót lại trên mắt;
    • Nếu sử dụng khăn giấy hoặc giấy lau, bạn phải dọn dẹp giấy rác sạch sẽ và không vứt bừa bãi;
    • Nếu dùng khăn để làm sạch mắt, bạn hãy giặt ngay sau khi dùng để không ai tiếp xúc hoặc sử dụng chúng. Sau khi lau mắt, hãy nhớ rửa tay để tránh bệnh lan sang mắt còn lại.

    Những điều cần tránh khi đang điều trị bệnh đau mắt đỏ

    điều trị bệnh đau mắt đỏ

    Hãy lưu ý những việc sau nếu bạn phát hiện mình có triệu chứng đau mắt đỏ:

    • Không nên đi học hoặc đi làm cho đến khi bệnh tình cải thiện.
    • Sử dụng khăn hoặc khăn giấy sạch mỗi khi lau mắt và lau mặt.
    • Rửa tay thường xuyên hơn với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hoặc ho.
    • Cố gắng không chạm vào mắt. Nếu lỡ tay, bạn nên rửa sạch tay bằng xà phòng ngay lập tức.
    • Không trang điểm mắt khi đang bị bệnh đau mắt đỏ và thay đồ trang điểm mới sau khi khỏi bệnh. Bạn cũng không nên dùng chung đồ trang điểm với người khác. Bởi vi, vi khuẩn có thể tồn tại trong những đồ này gây đau mắt đỏ và thậm chí là nhiễm trùng giác mạc.
    • Làm sạch kính áp tròng đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ.

    Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Bệnh đau mắt đỏ thường tự khỏi trong vòng 1 – 2 tuần. Nếu triệu chứng nặng, khác thường hoặc kéo dài, bạn nên thăm khám sớm để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách và tránh lây lan.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Kim Ngân · Ngày cập nhật: 25/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo